Công tác tổ chức xây dựng Đảng: Quy trình, quy định là quan trọng nhưng phải bảo đảm chất lượng

Yêu cầu trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức ngày 28/12.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận Hội nghị. (Ảnh: TTXVN)

Sáng tạo, nỗ lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Năm 2023, với quyết tâm chính trị, tinh thần trách nhiệm, toàn ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã chủ động, sáng tạo, nỗ lực tham mưu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Toàn ngành đã chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản về công tác tổ chức xây dựng Đảng góp phần cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo hướng đồng bộ, thống nhất, tổng thể, liên thông trong hệ thống chính trị; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Đồng thời chủ động tham mưu việc chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng; tham mưu Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành (BCH) Trung ương thống nhất thành lập 5 tiểu ban. Tiến hành khảo sát kết quả thi hành Điều lệ Đảng từ năm 2011 đến nay...

Công tác quy hoạch BCH Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031 được tiến hành khoa học, chặt chẽ, thận trọng, dân chủ, khách quan, minh bạch, bảo đảm sự lãnh đạo của BCH Trung ương, Bộ Chính trị trên cơ sở phát huy đầy đủ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan chức năng, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đánh giá, những kết quả ngành tổ chức xây dựng Đảng đạt được đã góp phần làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, góp phần cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại cần khắc phục, như việc nâng cao chất lượng công tác tham mưu chiến lược, chất lượng của một bộ phận cán bộ chưa bảo đảm; một số cán bộ năng lực hạn chế, có cán bộ đạo đức, phẩm chất chưa đáp ứng được yêu cầu; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, dĩ hòa vi quý. Một bộ phận tổ chức cơ sở đảng còn yếu, sức chiến đấu hạn chế...

Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng

Định hướng nhiệm vụ thời gian tới, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ, tổ chức thực hiện nghiêm nghị quyết, chủ trương của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Các văn bản, nghị quyết của Đảng phải được quán triệt sâu sắc, phải được cụ thể hóa sát với thực tiễn của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương... Đây là trách nhiệm Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Liên quan đến công tác cán bộ, Thường trực Ban Bí thư cho biết, nhiệm kỳ Đại hội XIII, các quy định về công tác cán bộ tiếp tục được sửa đổi, hoàn thiện. Hệ thống văn bản về công tác cán bộ cơ bản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức thực hiện và phải bảo đảm thực hiện tốt. Mỗi quy định đều yêu cầu rất cao và các cấp ủy, tổ chức đảng phải bảo đảm để các quy định này đi vào cuộc sống. Đối với công tác phát triển đảng viên, hiện nay, cả nước có trên 5 triệu đảng viên và hơn 53.800 tổ chức cơ sở đảng. Để đạt được mục tiêu khoảng 6 triệu đảng viên cuối nhiệm kỳ này, phải có sự nỗ lực tất cả các địa phương. Tuy nhiên, phát triển số lượng phải gắn liền với chất lượng, không thể chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng.

Thường trực Ban Bí thư đặc biệt lưu ý về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, đảng viên nhằm nâng cao năng lực, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng theo hướng thiết thực, sát hợp. Đồng thời đổi mới phong cách, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng. Theo đó, cần tăng cường cải cách, không để vì tầng, nấc quy trình, quy định mà cuối cùng ra được cán bộ lại không đủ chất lượng. “Tôi đề nghị quan tâm tổ chức Đảng phải vững mạnh, cán bộ đảng viên có chất lượng. Quy trình, quy định là quan trọng nhưng phải bảo đảm chất lượng. Quy trình, quy định đó để không lạm quyền, quy định chặt chẽ, nhưng cuối cùng dẫn tới chất lượng” - Thường trực Ban Bí thư đề nghị.

Thời gian còn lại không dài, bởi vậy, bà Trương Thị Mai nhấn mạnh yêu cầu phải tăng tốc, nỗ lực cao để nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đạt kết quả cao nhất. Ngành Tổ chức xây dựng Đảng phải nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng với yêu cầu của Đảng, của Nhân dân. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là yêu cầu, là sức mạnh của Đảng, trong đó có công tác tổ chức xây dựng Đảng.

Nhấn mạnh năm 2024 phải hoàn thành sắp xếp các đơn vị sự nghiệp để có thể giảm được 140 đơn vị và tiếp tục sắp xếp vị trí việc làm, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cho rằng, đây là cơ sở quan trọng để điều chỉnh, đổi mới chính sách tiền lương và thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024.

Khánh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/cong-tac-to-chuc-xay-dung-dang-quy-trinh-quy-dinh-la-quan-trong-nhung-phai-bao-dam-chat-luong-post500422.html