Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, sáng 15-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nêu rõ, năm 2022, Chính phủ đã triển khai toàn diện các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan ban hành, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu kéo giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; phòng, chống tội phạm trong và sau dịch Covid-19; kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, triệt phá nhiều băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó việc trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực.
Năm 2022, trên toàn quốc, số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 9,75%. Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nổi lên các vấn đề như: tội phạm giết người tăng 7,43%; đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, người có tiền sử bệnh tâm thần giết người gây lo lắng, bất an trong nhân dân; tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý. Tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm mua, bán người có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới. Tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) tuy giảm về số vụ nhưng tính chất còn nghiêm trọng.
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, năm 2022, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan chức năng, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt được nhiều chỉ tiêu của Quốc hội giao.
Tuy nhiên, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính. Tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp; một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để hoạt động, xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, công tác điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt, một số nội dung đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 96. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như: tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 81,18%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm. Vẫn còn các trường hợp khởi tố oan..
Cũng trong sáng 15-9, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra.
Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ còn hạn chế. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do một số đơn vị chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó, một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng còn chậm được thể chế hóa; việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới thể chế kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng trên một số lĩnh vực chưa kịp thời; một số quy định thiếu chế tài cụ thể. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực thi pháp luật nói chung, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nghiêm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng, việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo; đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn một số trường hợp nể nang, cục bộ. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp khó khăn…