Công tác tư tưởng góp phần tạo đồng thuận xã hội
Công tác tư tưởng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với mỗi người dân; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân, nhằm biến những chủ trương, chính sách đó thành hiện thực và tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Yêu cầu thường xuyên, cấp bách
Công tác tư tưởng không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn là một phương thức lãnh đạo quan trọng không thể thiếu của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nêu rõ: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động…”.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác tư tưởng, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đề ra yêu cầu: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội.
Cơ sở là nơi tiếp nhận và trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức triển khai đến từng người dân tất cả các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…Vì thế, nội dung công tác tư tưởng ở cơ sở vừa phải bao hàm tất các các lĩnh vực của đời sống xã hội, vừa phải rất cụ thể. Mặt khác, trình độ dân trí, dân chủ, ý thức về quyền làm chủ của nhân dân ngày một cao.
Trong khi đó, ở các cơ sở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa vẫn có một bộ phận không nhỏ dân cư trình độ dân trí còn thấp. Do đó, công tác tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng phải nắm vững, hiểu đúng trình độ, nhu cầu của các bộ phận nhân dân ở cơ sở của mình để xác định nội dung, hình thức, biện pháp tác động cho phù hợp, thiết thực, đem lại hiệu quả cao.
Vì là nơi trực tiếp nắm bắt và xử lý những vấn đề nảy sinh tại cơ sở nên công tác tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục. Thêm nữa, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch đang nhằm vào cơ sở; đặc biệt là các vấn đề như tôn giáo, dân chủ, nhân quyền. Vì vậy phải kịp thời và kiên quyết đấu tranh với các hoạt động chống phá của kẻ thù với những nhận thức, quan điểm sai trái là yêu cầu vừa thường xuyên, vừa cấp bách hiện nay.
“Tâm trạng, tư tưởng của quần chúng nhân dân diễn ra trong từng ngày, nảy sinh từng giờ. Bởi vậy công tác tư tưởng của tổ chức cơ sở đảng phải thường xuyên, liên tục và trực diện, không được né tránh, lơi lỏng.
Làm được điều đó sẽ góp phần giải đáp kịp thời, đúng đắn những vướng mắc về nhận thức, định hướng chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa cũng như thực hiện các chính sách xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ở địa phương”, bà Lê Thị Tửu, nguyên cán bộ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nói.
“Người cán bộ giỏi, có chuyên môn và trách nhiệm là người biết chủ động giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh từ cơ sở, không để phát triển, lan rộng thành vấn đề tư tưởng chính trị”, vẫn lời bà Tửu.
Phải bám sát thực tiễn
Có thể nói, một trong những nguyên tắc quan trọng của công tác tư tưởng là có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm. Điều đó đòi hỏi công tác tư tưởng phải bám sát thực tế, kịp thời giải đáp những vấn đề bức xúc trong đời sống của nhân dân; đồng thời đòi hỏi cấp ủy đảng và mọi cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu, nói và làm phải thống nhất, phải kiên quyết thực hiện những quyết định đã ban hành, khắc phục tình trạng nói nhiều làm ít, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo.
Cán bộ chủ chốt cấp ủy phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của công tác tư tưởng, bà Lê Thị Tửu cho rằng, khi thông tin được đưa ra kịp thời, chính xác, có định hướng đúng đắn sẽ tạo được sự ổn định về tư tưởng, giải quyết tốt những vấn đề tư tưởng nảy sinh, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân.
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nhiều khi nảy sinh tư tưởng sai lầm, lệch lạc cũng chỉ vì thiếu thông tin, hoặc thông sai lệch. Đối với những hành vi vi phạm như tung tin bịa đặt, phát tán tài liệu, thư nặc danh, mạo danh có nội dung xấu… cần xác định rõ tính chất, mức độ, phạm vi ảnh hưởng, ý đồ của người thực hiện để có biện pháp đấu tranh thích hợp.
Cần phân biệt ý đồ gây rối, phá hoại có ý thức chính trị rõ ràng với sự ấu trĩ về chính trị do thiếu thông tin hay do nhận thức kém mà vô tình tiếp tay cho kẻ xấu để có cách xử lý thích hợp.
Về nguyên tắc, phải nghiêm khắc và kiên quyết, không khoan nhượng về tư tưởng, chính trị; vạch trần nội dung sai trái trong tài liệu phát tán và hành động vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ những thông tin như vậy là sai trái, bên cạnh đó phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Công tác tư tưởng là nhiệm vụ của toàn Đảng, của tất cả đảng viên, của cả hệ thống chính trị với sự tham gia, đóng góp của nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, công tác tư tưởng của Đảng vừa hướng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, vừa hướng đến các tầng lớp nhân dân trong xã hội để bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ; tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, nâng cao vai trò tiên phong của Đảng.
Từ đó góp phần làm cho hệ tư tưởng của Đảng và những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.