Công tác tuyên truyền miệng phải đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đặc biệt coi trọng vị trí, vai trò, tính hiệu quả của công tác tuyên truyền miệng (TTM) trong công tác xây dựng Đảng. Thông qua hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên (BCV,TTV), công tác TTM trở thành vũ khí sắc bén để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên (CB, ĐV) và quần chúng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên hằng tháng bằng hình thức trực tuyến để cung cấp và định hướng thông tin cho cấp ủy, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trong toàn tỉnh (Ảnh: N.Tâm)

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị Báo cáo viên hằng tháng bằng hình thức trực tuyến để cung cấp và định hướng thông tin cho cấp ủy, lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên trong toàn tỉnh (Ảnh: N.Tâm)

Thực trạng công tác tuyên truyền miệng

Hiện nay, công tác tư tưởng nói chung, hoạt động tuyên truyền và TTM nói riêng có nhiều thuận lợi, nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức: tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước tìm mọi cách chống phá Đảng, Nhà nước ta, nhất là lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp..., gây tâm lý lo lắng trong một bộ phận CB, ĐV và Nhân dân. Trước tình hình đó, từng tổ chức đảng và mỗi CB, ĐV phải nâng cao nhận thức, phát huy hiệu quả hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là TTM để đập tan mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, củng cố niềm tin của Nhân dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

Nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm công tác TTM trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin, cổ vũ tính tích cực hành động và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác TTM và hoạt động của đội ngũ BCV, TTV, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTM trong tình hình mới” và thu được nhiều kết quả quan trọng. Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, củng cố và kiện toàn đội ngũ BCV, TTV; kịp thời xây dựng quy chế, hướng dẫn hoạt động để tổ chức, quản lý đội ngũ BCV, TTV bảo đảm số lượng và chất lượng.

Đội ngũ BCV, TTV các cấp được củng cố, phát triển, trở thành lực lượng chủ lực trong công tác TTM và có những đóng góp to lớn, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác tư tưởng. Công tác TTM và hoạt động của đội ngũ BCV, TTV trở thành lực lượng xung kích của cấp ủy trong công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác hiệu quả các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Tuy nhiên, công tác TTM và hoạt động của đội ngũ BCV, TTV ở Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số hạn chế: Một số cấp ủy chưa quan tâm đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác TTM; thiếu kiểm tra, giám sát, đôn đốc, đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ BCV, TTV; có nơi, cấp ủy còn “khoán trắng” công tác TTM cho cơ quan Tuyên giáo cùng cấp. Việc cung cấp thông tin định kỳ và trang bị tài liệu, sách, báo, tạp chí cho BCV, TTV chưa kịp thời, chưa đầy đủ, nhất là Báo Đảng địa phương. Công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội đôi lúc còn chậm hoặc còn bỏ ngỏ, nhất là cấp xã, phường, thị trấn. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ BCV, TTV chưa đều; chưa theo kịp sự chuyển biến về nhận thức của Nhân dân nên tuyên truyền chưa sắc bén, thiếu sức thuyết phục, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thông tin của Nhân dân; phương pháp TTM còn nặng một chiều, ít chú trọng trao đổi trực tiếp, đôi lúc giải đáp chưa thuyết phục những vấn đề CB, ĐV và Nhân dân quan tâm.

Nguyên nhân của hạn chế là do một số cấp ủy chưa quan tâm sâu sát việc lãnh đạo, chỉ đạo về công tác TTM và hoạt động của đội ngũ BCV, TTV. Đội ngũ BCV, TTV chưa nắm sát tâm tư, nguyện vọng của đối tượng cần tuyên truyền nên khi thực hiện hoạt động tuyên truyền còn chung chung, chưa sát thực tiễn...

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền miệng

Hiện nay, Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp quyết tâm tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; tạo cơ chế, chính sách thuận lợi để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Đảng, hệ thống chính trị tỉnh Đồng Tháp trong sạch, vững mạnh”... Chính vì vậy, công tác TTM phải được đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng bám sát thực tiễn, sát đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo sự thống nhất về ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ và sự đồng thuận của Nhân dân. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác TTM trong giai đoạn hiện nay, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh cần quan tâm những vấn đề trọng tâm sau:

Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác TTM theo hướng tăng cường đối thoại, sâu sát thực tiễn và phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Tất cả CB, ĐV trước hết là cấp ủy viên các cấp, phải trực tiếp tham gia công tác TTM, đối thoại, trao đổi trực tiếp với CB, ĐV và quần chúng nhân dân. Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, nơi nào cấp ủy quan tâm đến công tác TTM và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở thì nơi đó việc xây dựng đội ngũ BCV, TTV và công tác tuyên truyền đạt hiệu quả thiết thực. Ngược lại, nơi nào cấp ủy thiếu hoặc ít quan tâm đến công tác này thì hiệu quả công tác tuyên truyền nơi đó không cao.

Phải quan tâm đúng mức đến đội ngũ BCV, TTV. Bởi vì, BCV, TTV muốn hoàn thành nhiệm vụ, ngoài việc tự rèn luyện không ngừng thì rất cần có sự quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cung cấp đầy đủ tài liệu, sách, báo, tạp chí; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về kỹ năng TTM và kỹ năng soạn đề cương cho chủ đề TTM; tạo điều kiện cho BCV, TTV tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm; tổ chức các hội thi, hội thảo... Từ đó, phát hiện, bồi dưỡng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ kế thừa cho lĩnh vực tuyên giáo các cấp trong tỉnh.

Hai là, hệ thống Tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục tham mưu cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và đổi mới công tác TTM. Hệ thống Tuyên giáo các cấp trong tỉnh phải tham mưu cấp ủy tổ chức, phân công BCV, TTV phù hợp với điều kiện cụ thể trên từng lĩnh vực. Phải quản lý chặt chẽ, bồi dưỡng, định hướng hoạt động thường xuyên; bảo đảm đội ngũ BCV, TTV có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ và thường xuyên được cập nhật thông tin mới. Định kỳ 6 tháng và cuối năm, tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh giá chất lượng hoạt động, giúp BCV, TTV thấy được vai trò, trách nhiệm của mình; giúp cấp ủy xem xét, đưa ra khỏi danh sách đối với BCV, TTV không tham gia công tác tuyên truyền hoặc tham gia không thường xuyên các hoạt động tuyên truyền.

Đặc biệt, đối với Tuyên giáo xã, phường, thị trấn phải tham mưu cho Ban Thường vụ cấp ủy quyết định thành lập, kiện toàn và phân công TTV phụ trách địa bàn cụ thể. Thông qua lực lượng này, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong Đảng và toàn xã hội.

Ba là, mỗi BCV, TTV tự bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, phương pháp thuyết trình và phải chuẩn bị tốt đề cương tuyên truyền.

BCV, TTV muốn hoạt động tốt, trước hết trên cơ sở các đề cương, tài liệu được cung cấp, cần phải đầu tư chuẩn bị đề cương thật chu đáo, công phu, sao cho đề cương đó thật sự trở thành sản phẩm trí tuệ. Đề cương tuyên truyền ngắn gọn nhưng đầy đủ ý, phù hợp với thời gian, thành phần dự nghe để nội dung thuyết trình đạt hiệu quả cao nhất. BCV, TTV tự rèn luyện kỹ năng thuyết trình trước khi thực hiện chủ đề tuyên truyền và tự rút kinh nghiệm sau mỗi buổi tuyên truyền, kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Đứng trước những đòi hỏi của công tác tư tưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, công tác TTM cần phải được đổi mới, nâng cao tính thuyết phục, tính hiệu quả để cùng các kênh thông tin, tuyên truyền khác tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao. Vấn đề công tác tư tưởng không bao giờ cũ trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, do đó, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là không thể nào lơi lỏng hoạt động TTM, mà phải tiếp tục đổi mới, phát huy sức mạnh tổng hợp của các “binh chủng”, các lực lượng để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

PHU SẮC

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/chinh-tri/cong-tac-tuyen-truyen-mieng-phai-dap-ung-tot-yeu-cau-nhiem-vu-trong-tinh-hinh-moi-113765.aspx