Cộng tác viên dân số cầu nối đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với người dân
“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS - KHHGĐ) là công việc quen thuộc của mỗi cộng tác viên (CTV) dân số. CTV dân số không có lương, chế độ thù lao hàng tháng thấp nhưng bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc, các CTV dân số là nhân tố quan trọng, làm cầu nối đưa các chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình đến với người dân, góp phần làm nên những thành quả của công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Chị Doãn Thị Việt Thanh, cộng tác viên dân số xã Lệ Xá (người ngồi giữa) tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ
Sau nhiều năm đảm nhiệm vai trò CTV dân số thôn Giai Lệ, xã Lệ Xá (Tiên Lữ), chị Doãn Thị Việt Thanh trở thành CTV dân số thân thuộc của mỗi gia đình ở địa phương. Tuy bận rộn với công việc buôn bán, kinh doanh ở cửa hàng tạp hóa nhưng chị luôn nhiệt tình, tâm huyết với công việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ. Chị Thanh cho biết: Gặp được người dân để tuyên truyền, vận động không dễ bởi đa số người dân còn phải đi làm ruộng, đi làm công nhân trong doanh nghiệp. Vì vậy tôi đã áp dụng phương pháp gặp họ ở đâu tôi vận động, tuyên truyền ở đó. Khi chị em đến nhà tôi mua hàng hóa hay lúc đi sinh hoạt chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, tôi đều khéo léo, lồng ghép tuyên truyền vào các cuộc nói chuyện, tâm sự theo phương châm "mưa dầm thấm lâu". Sau một thời gian kiên trì họ sẽ hiểu về chính sách dân số và thực hiện các biện pháp KHHGĐ để phòng, tránh việc mang thai ngoài ý muốn. Nhiều gia đình như gia đình chị Nguyễn Thị Lan và anh Nguyễn Bá Thức mặc dù sinh con một bề là gái, sau nhiều lần được tuyên truyền, vận động đã tự nguyện dừng lại ở 2 con để tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho con.
Tại thôn Lê Bãi, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) nhiều người dân biết tới bà Nguyễn Thị Tiền với 18 năm gắn bó làm CTV dân số bởi sự nhiệt tình, tâm huyết và trách nhiệm. Bà Tiền cho biết: Việc tuyên truyền công tác dân số phải bằng cái tâm, cái tình, thật khéo léo, tế nhị để không chỉ chị em phụ nữ hiểu mà cả người thân của họ hiểu, cùng có trách nhiệm thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Để làm được việc đó, tôi kiên trì đến từng nhà, gặp từng người, tìm hiểu hoàn cảnh, sau đó vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức mình có để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt, áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, giảm nguy cơ mang thai ngoài ý muốn, bảo vệ sức khỏe người phụ nữ... Với sự đóng góp không nhỏ của bà Tiền, hiện nay, trên địa bàn thôn có hơn 70% số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Chị Thanh và bà Tiền là 2 trong số 1.590 CTV dân số của tỉnh. Người ít nhất cũng 3 năm gắn bó với công tác dân số, người gắn bó lâu nhất hơn 20 năm. Phải thực sự yêu nghề, gần gũi với người dân, khéo léo, linh hoạt trong cách truyền thông, am hiểu chính sách DS-KHHGĐ mới có thể gắn bó lâu dài là tâm sự của hầu hết CTV dân số mà tôi đã từng gặp gỡ, trao đổi. Họ có mặt ở tất cả tổ dân phố, thôn, xóm và có nhiệm vụ cung cấp thông tin, giúp trạm y tế địa phương có những số liệu tin cậy, cập nhật về công tác DS-KHHGĐ. Từ đó, tham mưu chính quyền địa phương đề ra những giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả cho từng đối tượng, góp phần xây dựng xã hội phát triển với những tế bào là gia đình khỏe mạnh, hạnh phúc, bền vững.
Đồng chí Phạm Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết: Nhiều năm qua, đội ngũ CTV dân số trên địa bàn tỉnh đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện có hiệu quả các chính sách về DS-KHHGĐ. Các CTV dân số là người trực tiếp ở cơ sở tuyên truyền, vận động người dân, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực dân số KHHGĐ... Để tiếp tục nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ CTV dân số, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, hàng năm, Chi cục tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, phương pháp truyền thông, vận động cho đội ngũ CTV dân số. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, kiến thức về công tác dân số và phát triển, KHHGĐ, trong đó, đặc biệt chú trọng nội dung về vấn đề nâng cao chất lượng dân số như: Sàng lọc trước sinh, sơ sinh; chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh… Qua đó, cung cấp, bổ sung thông tin, kiến thức, kỹ năng giúp đội ngũ CTV tại các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Để phát huy vai trò của đội ngũ CTV dân số, thời gian tới, cùng với việc đào tạo, nâng cao kiến thức, các kỹ năng cần thiết trong công tác truyền thông, vận động, cần có chế độ đãi ngộ, hỗ trợ thỏa đáng hơn đối với đội ngũ này. Đồng thời có chính sách khen thưởng kịp thời đối với những CTV dân số tiêu biểu, có thành tích xuất sắc để khuyến khích, động viên và “giữ chân” đội ngũ CTV dân số gắn bó lâu dài với công việc.