'Công tác xã hội' có cần đào tạo?
Xu hướng chọn các ngành nghề trong các trường đại học hiện nay đã thực tế hơn, đã có sự tính toán và định hướng tốt hơn những năm trước đây. Đó là khẳng định của ông Dương Văn Bá, TGĐ Công ty Cổ phần nhân lực quốc tế VMAT.
Việc định hướng cho học sinh chọn nghề nghiệp trong tương lai là rất cần thiết. Đây cũng là vấn đề mà xã hội đang rất quan tâm. Điều này không chỉ giúp gia đình và xã hội tránh lãng phí thời gian và tiền bạc khi học không đúng nghề mà còn góp phần khắc phục được sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Ông Bá đánh giá, những năm trước đây, việc lựa chọn trường, chọn ngành để dự thi của học sinh chủ yếu căn cứ vào mức điểm trúng tuyển, các trường đại học có tiếng, theo định hướng của cha mẹ, theo thị hiếu, nhu cầu chủ quan của mình hoặc theo hiệu ứng “đám đông”.
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, việc chọn ngành, chọn nghề của học sinh đã thực tế hơn, đã có sự tính toán và định hướng tốt hơn những năm trước đây. Đó là lý do mà hiện nay ngành học công tác xã hội đang ngày càng thu hút số lượng học sinh đăng ký dự tuyển và theo học.
Thậm chí, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã thành lập riêng một Phòng Công tác xã hội để phục vụ cho các hoạt động thiện nguyện liên quan đến bệnh nhi và gia đình bệnh nhi.
Tuy nhiên, theo TS Dương Thị Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, với nhiều quốc gia trên thế giới, công tác xã hội đã trở thành một ngành chuyên biệt, nhưng ở Việt Nam, đây vẫn còn là một ngành mới, sinh viên chưa thực sự “bắt nhịp” được.
Thực tế cũng cho thấy, đa phần nhân lực ngành này chưa được đào tạo cơ bản, đội ngũ nhân viên ngành phát triển có tính tự phát, chủ yếu là các tổ chức đoàn thể… làm việc nhờ kinh nghiệm, chưa được đào tạo bài bản, dẫn đến hiệu quả giải quyết các vấn đề cá nhân, vấn đề gia đình, xã hội không cao.
Ngoài ra, nhận thức xã hội chưa đủ, chưa đúng đối với ngành công tác xã hội và thậm chí sinh viên ngồi trong trường đại học, cao đẳng vẫn còn đang “lơ mơ” về ngành nghề mình lựa chọn cũng là vấn đề cần đề cập đến đối với đào tạo ngành công tác xã hội.
Vì vậy, theo TS Xuân và ông Dương Văn Bá, cần phải thay đổi tư duy và đưa ra những giải pháp hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Bà Dương Thị Minh Thu, Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho rằng, ngành công tác xã hội luôn thực sự cần thiết cho nhu cầu thực tế và sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong mô hình của một bệnh viện hiện nay.
Bởi kinh nghiệm thực tiễn luôn đòi hỏi mỗi sinh viên phải xuống thực tế tại cộng đồng, nhằm cọ sát đồng thời lắng nghe mọi người nói chứ không phải cứ lên mạng và tìm kiếm thông tin là đủ. Ngoài ra, nếu không đi thực tiễn thì khó có thể nhận thức và cảm thông được.
Ông Bá cũng chia sẻ thêm, đối với nhân lực ngành công tác xã hội, phải có niềm đam mê, tình yêu thương, sự chia sẻ, mới có thể làm tốt. Theo ông Bá, với ngành công tác xã hội thì có 4 nhóm ngành mà sinh viên có thể định hướng để theo đuổi nghiên cứu sau khi tốt nghiệp trong nước và lựa chọn để tiếp cận bao gồm Lao động thương binh xã hội, ngành Y, Tư pháp, Giáo dục.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/cong-tac-xa-hoi-co-can-dao-tao-472557.html