'Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu'
Sáng 13/9, tại TP Hải Dương, Tạp chí Lao động và Xã hội đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội tổ chức Hội thảo 'Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu'.
Mỗi năm, Chính phủ chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề được toàn nhân loại quan tâm bởi nó đã, đang và sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường toàn cầu và cũng đang trở thành thách thức nghiêm trọng nhất đối với quá trình phát triển bền vững của tất cả quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Dưới tác động của BĐKH, chỉ trong 10 năm gần đây, các loại thiên tai như: Bão, lũ, sạt lở đất, úng ngập, hạn hán, xâm nhập mặn... đã gây thiệt hại to lớn, làm chết và mất tích hơn 9.500 người, thiệt hại về tài sản ước tính 1,5% GDP mỗi năm. Đây là nguy cơ hiện hữu đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, mục tiêu thiên niên kỷ và mục tiêu phát triển bền vững. Mỗi năm, Chính phủ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để giải quyết, khắc phục hậu quả thiên tai.
Chỉ tính riêng năm 2018, thiên tai đã xảy ra liên tiếp trên các vùng miền trong cả nước với 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét; 14 trận lũ quét, sạt lở đất; xuất hiện 4 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt nắng nóng, 23 đợt không khí lạnh; 30 đợt mưa lớn trên diện rộng..., gây thiệt hại về kinh tế ước tính 20.000 tỷ đồng, làm gần 300 người chết và mất tích.
Năm 2019, dự báo tình hình thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khốc liệt hơn 2018 với các đợt nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc; mưa lũ gây thiệt hại lớn về người và của ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên; hạn hán ở Nam Trung Bộ... Gần như 100% các trường tiểu học, THCS ở Hà Tĩnh năm nay không khai giải được đúng ngày do bị mưa lớn. Mới đây, Thái Nguyên cũng bị trận mưa lớn gây gập lụt ngay tại TP.
Thiên tai cũng định hình, ảnh hưởng đến cả văn hóa, cách sống của người dân như ở vùng miền Trung. Vấn đề thông tin về thiên tai là vô cùng quan trọng với nhân dân, đặc biệt từ nguồn thông tin báo chí ở cả dạng báo nói, báo in, báo hình, báo điện tử.
Nhận thức được các nguy cơ và thách thức của BĐKH, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chủ động triển khai xây dựng và ban hành một cách hệ thống các chủ trương, chính sách nhằm ứng phó có hiệu quả với tác động của BĐKH. Cụ thể, năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Mới đây nhất, ngày 23/8/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường...
Thời gian qua, các cơ quan trung ương và địa phương đã hành động tích cực nhằm hiện thực hóa chủ trương, chính sách thành các giải pháp ứng phó với BĐKH như: Tuyên truyền, phổ biến, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao ý thức để thay đổi hành vi ứng phó với BĐKH; Đổi mới, hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực thi chính sách, phát luật về ứng phó với BĐKH; Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đối tác chiến lược về ứng phó với BĐKH như đẩy mạnh tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận song phương, đa phương về BĐKH; Huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH; Tăng cường các dịch vụ xã hội cơ bản trợ giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó các dịch vụ công tác xã hội đóng vai trò "cầu nối" chủ chốt, là phương tiện hiệu quả trong thực thi các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, hoạt động công tác xã hội thích ứng với BĐKH hiện nay vẫn còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xã hội thích ứng với BĐKH là điều cấp bách và rất có ý nghĩa trong bối cảnh hiện nay. Bộ LĐTBXH, các đơn vị có liên quan thuộc Bộ thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội cũng đang tích cực hỗ trợ người dân ứng phó với BĐKH, kết hợp với các cơ quan báo chí. Bộ LĐTBXH xác định, việc thông tin đi trước, với sự tham gia của cơ quan báo chí rất quan trọng, góp phần xử lý kịp thời, hỗ trợ người dân chủ động, tích cực ứng phó kịp thời, hỗ trợ người dân sống chung với lũ, phản ứng nhanh với sạt lở, lũ lụt.
Giúp người dân chủ động ứng phó với BĐKH
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Hội thảo "Công tác xã hội thích ứng với biến đối khí hậu" là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia có thể chia sẻ, trao đổi, cung cấp thông tin cho các nhà báo từ các nhà khoa học chuyên ngành, các nhà quản lý về các vấn đề cấp thiết trong công tác xã hội nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu theo kịp với yêu cầu và nhiệm vụ mới của Đảng, Nhà nước về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu đã nêu ra.
"Đề nghị các đại biểu tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, cho ý kiến về các vấn đề liên quan, đồng thời đề xuất các giải pháp quan trọng để đẩy mạnh công tác triển khai chính sách, đặc biệt là truyền thông sâu hơn, mạnh mẽ hơn về công tác xã hội thích ứng với BĐKH nhằm tạo sự chuyển biến thực sự trong nhận thức và hành động về vấn đề có tầm quan trọng chiến lược này và quan trọng là chúng ta góp phần đưa các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu đến với người dân, giúp người dân chủ động thực sự ứng phó với BĐKH trong cuộc sống hàng ngày", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà mong muốn.
Trong khi đó, nhấn mạnh vai trò của nhân viên công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết, thảm họa thiên tai là một trong những lĩnh vực trọng tâm của công tác xã hội, trong đó nhân viên xã hội đóng vai trò quản lý thảm họa thiên tai trước, trong và sau thiên tai. Vai trò của nhân viên xã hội trước thiên tai nhằm đóng góp vào việc giảm bớt các tác hại của thảm hại thiên tai gây ra.
Do vậy, vai trò này hướng đến những nhiệm vụ phòng ngừa và giảm thiểu cũng như nâng cao năng lực ứng phó khẩn cấp, thông qua việc chuẩn bị và lập kế hoạch. Trong thời gian tới, các bộ, ngành, cơ quan đơn vị cần xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của nhân viên công tác xã trong biến đổi khí hậu. Đồng thời cần phát triển mạng lưới công tác xã hội để hỗ trợ giảm hại do tác động của thiên tai.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước đã nêu bật được những thách thức của biến đổi khí hậu hiện nay, đồng thời đưa ra các giải pháp phát triển công tác xã hội thích ứng với BĐKH cũng như các vấn đề cần lưu lý cần thiết với các cơ quan truyền thông trong lĩnh vực này với các nội dung cụ thể như: Công tác xã hội thích ứng với BĐKH ở Việt Nam; Nâng cao năng lực nhóm nòng cốt trong cộng đồng để ứng phó với BĐKH; Hà Nội tăng cường phát triển nghề công tác xã hội thích ứng với BĐKH; Kinh nghiệm phát triển nghề công tác xã hội thích ứng với BĐKH của Cộng hòa Liên bang Nga và gợi ý cho Việt Nam; Đẩy mạnh đào tạo công tác xã hội thích ứng với BĐKH; Giải pháp đẩy mạnh truyền thông về nghề công tác xã hội thích ứng với BĐKH; Góc nhìn của báo chí về BĐKH và một số kiến nghị...
Cũng tại Hội thảo, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội Trần Ngọc Diễn đã phát động Cuộc thi sáng tác về chủ đề "Công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu".
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cong-tac-xa-hoi-thich-ung-voi-bien-doi-khi-hau-352412.html