Công tác xã hội tích cực hỗ trợ đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu

Tại Việt Nam, những đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương và chịu tác động tiêu cực nhất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật, người nghèo, người có thu nhập thấp… Lực lượng công tác xã hội chuyên nghiệp cần tiếp cận và giúp đỡ nhóm đối tượng này thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu.

Diễn giả chia sẻ thông tin tại hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức)

Diễn giả chia sẻ thông tin tại hội thảo. (Ảnh: Ban tổ chức)

Ngày 18/10, báo Dân trí phối hợp Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức hội thảo "Công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu".

Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Phạm Tuấn Anh, Tổng Biên tập báo Dân trí đánh giá, tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang có những tác động ngày càng nghiêm trọng, khốc liệt, dữ dội hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn,... đang ngày càng gia tăng và gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Theo thống kê, trong 10 năm qua, các hiện tượng thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 100 nghìn tỷ đồng và khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những thiệt hại về kinh tế, mà còn tác động đến đời sống xã hội, đặc biệt là đối với các nhóm yếu thế như người nghèo, người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ... Những nhóm này thường có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu thấp hơn. Do đó, họ sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn khi các hiện tượng thiên tai xảy ra.

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu đang có những tác động ngày càng nghiêm trọng, khốc liệt, dữ dội hơn. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn,... đang ngày càng gia tăng và gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Theo thống kê, trong 10 năm qua, các hiện tượng thiên tai đã gây thiệt hại khoảng 100 nghìn tỷ đồng và khiến hơn 1.000 người thiệt mạng.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm cao nhất; tập trung xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, công tác xã hội trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người dân thích ứng với những tác động của biến đổi khí hậu. Công tác xã hội có thể thực hiện thông qua các hoạt động cụ thể. Đó là: Nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu và các tác động của nó; Hỗ trợ người dân xây dựng các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; Cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; Thúc đẩy sự tham gia của người dân vào các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong khuôn khổ hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia đã cùng thảo luận, chia sẻ nhiều chủ đề. Đó là: Tình hình biến đổi khí hậu và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu hiện nay ở Việt Nam; công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; đào tạo công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu; giải pháp truyền thông về nghề công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về công tác xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu ở một số nước và khuyến nghị với Việt Nam

TS Nguyễn Trung Hải (Trường đại học Lao động-Xã hội) cho biết, nghề công tác xã hội tập trung vào việc hỗ trợ những người dễ bị tổn thương nhất, nhân viên công tác xã hội có vị trí đặc biệt để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu đối với các cá nhân, nhóm và cộng đồng. Công việc này có thể bao gồm tư vấn tâm lý cho những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, hoặc kết nối các thành viên cộng đồng với các dịch vụ hỗ trợ cũng như biện hộ chính sách.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Ban tổ chức)

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Ban tổ chức)

Theo Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức, đến nay, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xã hội. Đó là kể tới lĩnh vực công tác xã hội trong phạm vi của ngành lao động-thương binh xã hội về chăm sóc-bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, hỗ trợ người cai nghiện, giảm nghèo, phúc lợi xã hội.

Ở lĩnh vực y tế, toàn bộ bệnh viện tuyến trung ương và tỉnh đều có phòng hoặc bộ phận công tác xã hội. Một số bệnh viện tuyến huyện đã hình thành phòng công tác xã hội. Trong ngành giáo dục, đã hình thành những bộ phận về tâm lý học đường, bộ phận công tác xã hội trường học. Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội đang phối hợp ngành tòa án và công an đề nghị phát triển công tác xã hội trong lĩnh vực tư pháp để hỗ trợ người chưa thành niên trong quá trình làm việc với các cơ quan tư pháp.

Ông Tô Đức cũng nhấn mạnh, Việt Nam đặc biệt quan tâm công tác xã hội về biến đổi khí hậu. Những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương chịu tác động tiêu cực nhất do tác động của biến đổi khí hậu là người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật , người nghèo, người có thu nhập thấp… Người dân ở các vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai đều bị ảnh hưởng như nhau, nhưng các đối tượng yếu thế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Chính vì thế, công tác xã hội phải xác định rất rõ nhóm đối tượng cần hướng tới.

Công tác xã hội hướng tới các hoạt động nghề nghiệp, hỗ trợ các cá nhân, gia đình, nhóm cộng đồng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, lực lượng công tác xã hội chuyên nghiệp có nhiệm vụ sẽ tiếp cận nhóm đối tượng này, giúp họ nhận diện được vấn đề của mình, đánh giá đặc điểm nhu cầu của gia đình và xác định xây dựng kế hoạch hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng của thiên tai. Trong đó, đặc biệt là hỗ trợ về sinh kế, việc làm, dạy nghề, thu nhập, nhà ở an toàn, lương thực-thực phẩm, trang thiết bị thiết yếu để ứng phó với lũ lụt, thiên tai. Điều này rất thiết thực với người dân ở vùng bị thiên tai ảnh hưởng.

Công tác xã hội đóng vai trò kết nối, điều phối các hoạt động hỗ trợ, nguồn lực cho các nhóm dân cư này… Mục tiêu cuối cùng của nhân viên công tác xã hội là hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội cho người dân trong cả quá trình phòng ngừa, ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ đây, đại diện Cục Bảo trợ xã hội mong các cơ quan báo chí thúc đẩy những giải pháp truyền thông hiệu quả, phối hợp các cấp chính quyền, các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng những kế hoạch truyền thông tích cực. Chú trọng nâng cao nhận thức của người dân về biến đổi khí hậu, làm rõ vai trò của công tác xã hội, chia sẻ nhiều cách làm - mô hình hay, phương thức thực hiện công tác xã hội hiệu quả cho hỗ trợ người dân.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-tac-xa-hoi-tich-cuc-ho-tro-doi-tuong-yeu-the-de-bi-ton-thuong-do-bien-doi-khi-hau-post778178.html