Công tác xây dựng Đảng về tổ chức: Kinh nghiệm của Lào Cai
Trong lãnh đạo, nhất là từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, Đảng bộ tỉnh luôn đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng vững mạnh về mọi mặt, trong đó có công tác tổ chức.
Nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác tổ chức, cán bộ là “then chốt của then chốt”. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ vững mạnh về tổ chức, cán bộ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, phát triển toàn diện.
Trong suốt 30 năm qua, công tác xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, cán bộ mang tính thường xuyên, có sự kế thừa qua các nhiệm kỳ. Điều này được thể hiện cụ thể và sinh động qua các đề án, nghị quyết như: Đề án củng cố, xây dựng và chỉnh đốn Đảng; kiện toàn tổ chức, bộ máy và tinh giản biên chế khối Đảng, đoàn thể; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, thôn, bản tỉnh Lào Cai (giai đoạn 2006 - 2010); Xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững về tổ chức, mạnh về đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2001 - 2005… Đặc biệt, trong các kỳ đại hội đảng bộ các cấp, Tỉnh ủy đã chỉ đạo chuẩn bị điều kiện cần thiết về tổ chức, cán bộ để đưa vào quy hoạch nhân sự đảm bảo các yêu cầu đề ra.
Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo, ban hành hệ thống các văn bản quy định tiêu chuẩn, hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng các tổ chức cơ sở đảng và các đảng bộ trực thuộc tỉnh theo tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ theo các hướng dẫn của trung ương phù hợp với điều kiện cụ thể của Lào Cai. Đến nay, toàn tỉnh có 615 tổ chức cơ sở đảng, tăng 122 tổ chức cơ sở đảng so với khi tái lập tỉnh năm 1991 (có 493 tổ chức cơ sở đảng); 100% xã nâng cấp từ chi bộ lên đảng bộ; số tổ chức cơ sở đảng, chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ những năm gần đây luôn chiếm khoảng 20%.
Thời điểm tái lập tỉnh năm 1991, toàn tỉnh mới có 493 tổ chức cơ sở đảng với gần 11.000 đảng viên. Đáng chú ý, có 26% thôn, bản “trắng” đảng viên; 44% chi bộ thôn, bản là chi bộ ghép, chất lượng cấp ủy hạn chế, thậm chí có đảng viên chưa biết chữ. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết và đề án để chăm lo, xây dựng, củng cố tổ chức đảng gắn với phát triển đảng viên. Nổi bật trong số đó là Nghị quyết số 05 về “Đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, xây dựng chi bộ thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2012 - 2015”. Với quyết tâm cao của cấp ủy đảng các cấp, đến năm 2015, 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh đã có chi bộ độc lập. Số lượng đảng viên tăng mạnh, hiện toàn tỉnh có 50.946 đảng viên, tăng hơn 39.000 đảng viên so với năm 1991; bình quân mỗi năm, kết nạp hơn 2.000 đảng viên. Những năm gần đây, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên, rà soát, đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức…
Công tác cán bộ đạt được nhiều kết quả, trong đó chú trọng từ khâu tuyển dụng; đổi mới việc đánh giá cán bộ, quy định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm trong đánh giá cán bộ; xây dựng nguồn cán bộ kế cận; làm tốt công tác quy hoạch, luân chuyển để đào tạo cán bộ… Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo mở rộng kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm theo tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý các cấp và xem xét theo hướng đa chiều, toàn diện và phù hợp với tình hình thực tế. Do vậy, chất lượng đánh giá được nâng cao, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, hình thức.
Sự quan tâm, triển khai nhiều giải pháp trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức, cán bộ những năm qua đã góp phần xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Có được những kết quả trên, Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị và cá nhân của người đứng đầu cấp ủy các cấp, các ngành đối với công tác tổ chức, cán bộ thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cấp mình quản lý.
Trên cơ sở quy định về phân cấp quản lý tổ chức, cán bộ theo hướng phân cấp mạnh cho cấp dưới, cấp trên trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đã phát huy được vai trò, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cấp dưới với cấp trên trực tiếp, bảo đảm công tác tổ chức, cán bộ ở các cấp, các ngành trong tỉnh được thực hiện theo đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, đồng thời phù hợp với thực tế ở từng tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị.
Các cấp ủy đảng trong tỉnh đã coi trọng công tác đánh giá cán bộ theo định kỳ hằng năm và đánh giá cán bộ trước khi bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, khen thưởng, kỷ luật. Trong đánh giá đã nêu cao được ý thức tự phê bình của cán bộ, đảng viên gắn với đánh giá, nhận xét của tập thể và người đứng đầu, luôn chú ý lấy hiệu quả công tác làm thước đo chủ yếu để đánh giá cán bộ… Thực hiện đổi mới, sáng tạo trong xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đảng, toàn tỉnh đã tập hợp nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng thành 4 loại hình chủ yếu để có giải pháp tập trung lãnh đạo; coi trọng đổi mới việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy theo chủ trương hướng mạnh về cơ sở, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cấp ủy viên, trong đó có nhiệm vụ chỉ đạo, giúp đỡ và trực tiếp dự sinh hoạt định kỳ chi bộ ở cơ sở để lắng nghe ý kiến của đảng viên, quần chúng, nhất là ở những xã, thị trấn, thôn, bản khó khăn. Từ đó có chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ ở từng cấp sát với thực tế cơ sở đang đặt ra.