Công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm khả thi, hiệu quả

Ngày 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Công tác tư pháp đóng góp tích cực vào sự phát triển chung

Theo báo cáo, năm 2024, công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng. Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết.

Bên cạnh đó, toàn ngành đã tham mưu xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 800 văn bản quy phạm pháp luật; cơ quan tư pháp tại địa phương đã phối hợp tham mưu ban hành 4.832 văn bản quy phạm pháp luật cấp tỉnh, 2.144 văn bản quy phạm pháp luật cấp huyện và 2.629 văn bản quy phạm pháp luật cấp xã.

Công tác thẩm định đề nghị xây dựng, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp được đánh giá cao, là cơ sở quan trọng để quyết định ban hành văn bản. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật

Đáng chú ý, công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với trên 621 nghìn việc được thi hành xong, thu được trên 117 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 45 nghìn việc và tăng hơn 27 nghìn tỷ đồng so với năm 2023).

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá công tác tư pháp ngày càng thể hiện được vai trò, vị thế, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của bộ, ngành, địa phương đồng thời đưa ra các kiến nghị, đề xuất cụ thể để đưa công tác này tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và lãnh đạo Bộ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh và lãnh đạo Bộ chủ trì Hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp trong thực hiện các công tác liên quan đến xây dựng pháp luật. Một trong dấu ấn của sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan là việc tham mưu giúp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kịp thời triển khai hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.

Nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ, đồng thời tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, ông Hoàng Thanh Tùng mong muốn Bộ Tư pháp, các cơ quan Chính phủ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan Quốc hội để bảo đảm chất lượng của các dự án luật, nghị quyết; tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Là một trong những địa phương “điểm sáng” trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư trang thiết bị, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong thực hiện chuyển đổi số; chỉ đạo quyết liệt cơ quan tư pháp hoàn thiện các bộ dữ liệu. Lãnh đạo tỉnh mong muốn Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo quyết liệt trong công tác kết nối, liên thông đồng bộ dữ liệu với địa phương để thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành và thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục.

Dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”

Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng và hoàn thiện thể chế; cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đã tổ chức 31 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 110 đề nghị xây dựng luật, dự án luật; đã trình Quốc hội cho ý kiến 52 dự án luật, thông qua 58 dự án luật, 18 dự thảo nghị quyết.

Phó Thủ tướng khẳng định, xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành; trong đó, ngành Tư pháp là lực lượng nòng cốt, tham mưu trực tiếp về xây dựng pháp luật.

Đánh giá cao các kết quả ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua, Phó Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, cùng lúc tiến hành 3 nhiệm vụ quan trọng: Chuẩn bị nội dung và nhân sự để tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp; phấn đấu đạt tăng trưởng hơn 7% để hoàn thành mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng gợi mở các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; nhấn mạnh việc quán triệt nghiêm túc, đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong cuộc làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, trong đó lưu ý việc đổi mới trong xây dựng pháp luật, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Công tác xây dựng pháp luật phải bảo đảm khả thi, hiệu quả, chi phí tuân thủ thấp, đến được với người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng; tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính.

PhóCác đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

PhóCác đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Thực hiện yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, năm 2025, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp làm tốt công tác này, trong đó lưu ý lấy ý kiến của các cơ quan, bộ, ngành; chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy để nền hành chính không bị gián đoạn.

Bộ, ngành Tư pháp cần nghiêm túc, khẩn trương tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề xuất đổi mới, sắp xếp, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo định hướng giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong; không sắp xếp một cách cơ học, không để gián đoạn trong thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài ra, Bộ, ngành Tư pháp phát huy vai trò, tiếp tục tập trung nguồn lực, trí tuệ giúp Chính phủ, UBND các cấp xử lý những vấn đề pháp lý trong quá trình phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, trong đó có việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế.

Phó Thủ tướng mong muốn các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương quan tâm, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành Tư pháp, đảm bảo nguồn lực và các điều kiện cần thiết khác nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp.

Phan Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cong-tac-xay-dung-phap-luat-phai-bao-dam-kha-thi-hieu-qua-20241217154909146.htm