Công tác xây dựng, thực thi pháp luật về dân tộc thiểu số, miền núi tại Tây Nguyên
Xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của hệ thống chính trị, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến vấn đề dân tộc và công tác dân tộc.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc trong tình hình mới, việc tham gia xây dựng, thực thi pháp luật, thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng đối với vùng DTTS, miền núi, trong đó có vùng Tây Nguyên là hết sức cần thiết và cấp bách trong thời gian tới.
Tổng kết thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc, dưới góc độ đánh giá vấn đề cán bộ trong công tác xây dựng, ban hành, phổ biến và thực thi luật, chính sách về công tác dân tộc, nhận thấy: Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc và cán bộ là người DTTS ở một số địa phương chưa đáp yêu cầu; chưa có chế độ, chính sách phù hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức người DTTS đối với từng vùng miền, địa phương...
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chiến lược công tác dân tộc; củng cố, kiện toàn cả về chất lượng và số lượng đội ngũ làm công tác dân tộc ở các cấp, nhất là cán bộ người dân tộc; đổi mới nội dung và phương pháp công tác dân tộc. Những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác dân tộc thời gian qua, trực tiếp hay gián tiếp, đều liên quan đến việc sử dụng, phát huy vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học trong xây dựng, phổ biến luật pháp và thực thi pháp luật về dân tộc, miền núi.
Tây Nguyên có diện tích tự nhiên trên 54.641km2 (chiếm 16,51% diện tích cả nước); đường biên giới phía Tây giáp nước Lào và Campuchia khoảng 400km; khí hậu nhiệt đới ẩm của cao nguyên ôn hòa, khô, mát, ít bão và sương muối, phân hóa thành nhiều tiểu vùng và thay đổi theo từng khu vực; là thượng nguồn sinh thủy của sông Mê Kông, sông Ba, sông Đồng Nai... Tây Nguyên được xác định có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là vùng địa sinh thái giàu tài nguyên và là vùng địa văn hóa, đa dân tộc, đa tôn giáo, giàu bản sắc. Đảng và Nhà nước ta chủ trương nhất quán xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh, quốc phòng và tiến tới trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Thực hiện chủ trương trên, trong suốt quá trình xây dựng và bảo vệ vùng Tây Nguyên từ ngày giải phóng đất nước năm 1975 đến nay, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã cử nhiều cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học ở các lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau tham gia khảo sát, nghiên cứu, xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng khu vực Tây Nguyên nói chung và vùng đồng bào DTTS, miền núi nói riêng. Qua đó, góp phần làm thay đổi to lớn diện mạo Tây Nguyên về mọi mặt kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, đến nay, đã có 3 chương trình quan trọng về Tây Nguyên, tập hợp lực lượng đông đảo cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học ở Trung ương và địa phương tham gia nghiên cứu, cung cấp kịp thời các luận cứ khoa học để xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, ban hành các luật và chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng Tây Nguyên.
Đó là: Chương trình Tây Nguyên 1 “Điều tra tổng hợp về Tây Nguyên” trong các năm 1976-1980; Chương trình Tây Nguyên 2 “Nghiên cứu xây dựng cơ sở khoa học cho quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên” những năm 1984-1988; Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2011-2015 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên” (Chương trình Tây Nguyên 3).
Chỉ riêng Chương trình Tây Nguyên 3, qua 5 năm thực hiện đã huy động hơn 2.600 nhà khoa học và chuyên gia trong các tổ chức khoa học thuộc 12 bộ, ngành ở Trung ương và địa phương tham gia; thực hiện 62 đề tài và 5 nhiệm vụ độc lập, trong đó, có 21 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và an ninh, quốc phòng, 31 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và phòng, chống thiên tai, 11 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ;
Các công trình khoa học đáp ứng 4 mục tiêu cơ bản: Cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở dữ liệu cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững khu vực Tây Nguyên; ứng dụng chuyển giao công nghệ thích hợp nhằm tạo các sản phẩm hàng hóa nâng cao hiệu quả kinh tế trong khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên khu vực Tây Nguyên, bước đầu đề xuất mô hình phát triển bền vững cho Tây Nguyên.
Trong nhiệm vụ an ninh - quốc phòng của Tây Nguyên, các vấn đề an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường đã được chú ý nghiên cứu sâu, toàn diện với nhiều kết quả cập nhật phục vụ cho xây dựng các luận cứ khoa học. Các dữ liệu về văn hóa và biến đổi văn hóa, tôn giáo, dân tộc, dân cư, đào tạo đã cung cấp những luận cứ và giải pháp cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững Tây Nguyên.
Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới” xác định một số yêu cầu, trong đó có nội dung: “Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào DTTS.
Các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh vùng DTTS và miền núi phải toàn diện, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và phát huy lợi thế, tiềm năng của vùng và tinh thần tự lực của đồng bào DTTS”; “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, lồng ghép, tích hợp các chính sách hiện hành để hoàn thiện hệ thống chính sách liên quan đến đồng bào DTTS, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Đổi mới phương thức xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2030... Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thực hiện chính sách dân tộc. Đổi mới mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”...
Nghị quyết số 88/2019/QH14 do Quốc hội khóa XIV ban hành ngày 18-11-2019, phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đề ra mục tiêu tổng quát: “Khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người DTTS; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước”.
Đồng thời, yêu cầu về tổ chức triển khai thực hiện, trong đó có nội dung: “Tổ chức rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi và chính sách dân tộc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản có liên quan không còn phù hợp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án”...
PGS, TS Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương