Công tác xóa đói, giảm nghèo ở Cẩm Châu
Xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) có 1.330 hộ, 5.451 nhân khẩu, với 3 dân tộc Dao, Mường, Kinh cùng sinh sống. Những năm trước đây tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực vượt khó của đồng bào các dân tộc, đến nay công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến rõ nét.
Sản xuất gỗ ván bóc ở Công ty TNHH Thương mại Mạnh Tiến, thôn Trung Độ, xã Cẩm Châu.
Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt anh Lê Văn Mức, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Mạnh Tiến ở thôn Trung Độ, khi nói về quá trình vượt khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế. Sau khi xây dựng gia đình, vợ chồng luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Với bản chất chịu thương, chịu khó anh bàn với vợ vay vốn ngân hàng bước đầu thành lập cơ sở thu mua hàng nông sản, sau đó thành lập Công ty TNHH Thương mại Mạnh Tiến chuyên thu mua gỗ keo của người dân trên địa bàn xã và vùng lân cận để sản xuất gỗ ván bóc xuất khẩu. Đến nay, trung bình mỗi năm công ty xuất bán trên 300m3 gỗ bóc, doanh thu ước đạt trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho 40 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.
Ông Phạm Hải Lăng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Châu, cho biết: Để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, những năm qua Đảng bộ, chính quyền xã đã chỉ đạo Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Ngoài ổn định 129 ha lúa, 558 ha ngô, 81 ha mía, 46 ha rau màu, người dân trong xã đã mạnh dạn chuyển đổi trên 26 ha đất trồng lúa, ngô, cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang trồng bí đỏ, ngô ngọt, củ đậu, cây ăn quả các loại cho thu nhập cao. Hiện, xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân, như: Cây ngô chăn nuôi bò sữa, bí đỏ, cây gai xanh, củ đậu... Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, xã chỉ đạo Nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02-NQ/HU của Huyện ủy Cẩm Thủy về “Bảo vệ và phát triển rừng”, từng bước chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn. 5 năm qua, người dân đã trồng mới được trên 587 ha rừng (chủ yếu là cây keo), nâng diện tích rừng keo lên 1.000 ha keo, trong đó có 300 ha keo trong kỳ thu hoạch, mỗi năm nguồn thu từ lâm nghiệp mang lại cho người dân trên 30 tỷ đồng. Để đầu ra ổn định, xã đã có 4 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến lâm sản, tạo việc làm cho hàng chục lao động. Với lợi thế có 4,5 km đường Hồ Chí Minh chạy qua, người dân tập trung phát triển ngành nghề, dịch vụ, chủ yếu là buôn bán, thu mua hàng nông sản, vật liệu xây dựng. Ngoài ra, trên địa bàn xã đã được UBND tỉnh phê duyệt Cụm công nghiệp Cẩm Châu, với diện tích 23 ha hiện đang thu hút các nhà đầu tư. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 29,2 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,98%. Kinh tế phát triển, người dân có điều kiện đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay 100% đường giao thông đến nhà văn hóa thôn được bê tông hóa; các công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang. Xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2024 về đích NTM.