Công thần đến suy thoái - chỉ một gạch nối!

BÀI 1
CÔNG THẦN KHÔNG Ở ĐÂU XA

Linh Tâm

BPO - Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều người không tiếc tuổi xuân, cống hiến máu xương cho đất nước và trở thành những cán bộ, đảng viên gương mẫu, cốt cán. Đáng tiếc, một số người từng có đóng góp cho đất nước, khi nghỉ hưu lại mang tư tưởng công thần, tự đặt mình cao hơn mọi người để đòi hỏi, thậm chí đòi xét lại lịch sử... Nhiều người không biết mình “bệnh” công thần mà cứ nghĩ đang “dấn thân” cho công bằng, dân chủ! “Bệnh” công thần, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, bởi nó sẽ dẫn tới suy thoái tư tưởng, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ.

Buổi sinh hoạt thường kỳ của Chi bộ khu phố P.T, phường T.P, thành phố Đ.X hôm ấy bàn việc vận động cán bộ, đảng viên, người dân trên địa bàn đóng góp hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng nặng do bão lũ. Sau khi Bí thư chi bộ triển khai kế hoạch, vài đảng viên đóng góp tại chỗ. Thấy số tiền chưa được bao nhiêu, Bí thư chi bộ yêu cầu các tổ trưởng tổ đảng chủ động lập danh sách đảng viên tham gia vận động các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Nhưng khi xướng tên một vài vị từng là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị trước khi nghỉ hưu thì nhận được sự phản đối. Có người viện lý do hoàn cảnh gia đình, sức khỏe không tốt. Có người nói thẳng: Chúng tôi đã cống hiến suốt mấy chục năm nên giờ muốn được nghỉ ngơi đúng nghĩa! Thấy không khí có vẻ căng thẳng, Bí thư chi bộ ôn tồn: San sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung là tùy tâm mỗi người, nhưng cũng là nhiệm vụ của chi bộ. Tuy nhiên, đồng chí nào không thể tham gia, ta sẽ tìm người khác. Thế là nổi lên những tiếng xì xào. Nhóm đảng viên không là cán bộ, công chức nhà nước cho rằng, mấy vị từng là lãnh đạo mắc “bệnh” công thần. Từng đứng đầu cơ quan, đơn vị, nhẽ ra phải gương mẫu để làm gương. Còn nhóm đảng viên trẻ, đang tham gia các hội, đoàn thể ở khu phố, ở phường thì… im lặng.

Một lần, Bí thư Chi bộ khu phố P.T đang triển khai nghị quyết của cấp ủy cấp trên nhưng không được mạch lạc thì một vị từng là bí thư một đảng bộ cơ quan gần trăm đảng viên nói nhỏ: Sinh hoạt chi bộ cứ thế này chán quá! Tôi nhẹ nhàng trả lời: Các anh chị ấy trưởng thành từ cơ sở, ít có điều kiện nâng cao trình độ. Họ mà như các báo cáo viên chuyên nghiệp thì đã lên tỉnh hoặc ra Trung ương rồi, đâu có ngồi ở khu phố! Anh cười ngượng nghịu. Thực tế là trong 7 đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư ở phường T.P, trừ 2 đồng chí là cán bộ nghỉ hưu tham gia cấp ủy có trình độ đại học và cao cấp chính trị, 5 bí thư còn lại mới chỉ học hết phổ thông, có người mới học hết lớp 7/10 và đều mới qua sơ cấp chính trị. Làm sao đòi họ nói hay, nói giỏi được!

Tôi mang câu chuyện ở Chi bộ khu phố P.T trao đổi với Bí thư Đảng ủy phường T.P thì được biết: Đảng bộ phường T.P có 16 chi bộ trực thuộc với tổng số 830 đảng viên, trong đó có 7 chi bộ khu phố. Trên địa bàn phường có hơn 2.200 đảng viên sinh hoạt theo Quy định số 213-QĐ/TW của Bộ Chính trị - đông nhất trong các xã, phường của thành phố Đ.X. Đặc biệt, hầu hết số cán bộ chủ chốt của tỉnh và thành phố Đ.X khi nghỉ hưu đều cư trú trên địa bàn phường. Như vậy, xét về số lượng cũng như trình độ văn hóa - chính trị của đảng viên thì Đảng bộ phường T.P có nhiều lợi thế. Tuy nhiên, đông chưa hẳn đã mạnh, học vấn cao chưa hẳn đã đóng góp nhiều cho tổ chức đảng và cộng đồng, xã hội. Điều này, không chỉ ở phường T.P mà có thể đúng với nhiều cơ sở đảng khác.

Đồng chí Bí thư Đảng ủy phường T.P cho biết, chuyện một số đảng viên nghỉ hưu, khi góp ý cho cấp ủy, chính quyền địa phương thường nói “hồi tôi còn làm thế này”; “thời của chúng tôi thế kia”; rồi chê cấp ủy, chính quyền chưa mạnh tay, thiếu quyết đoán… là không hiếm. Trên địa bàn phường T.P có nhiều dự án quy hoạch quá lâu chưa thực hiện được, khiến người dân bức xúc. Thực tế, các dự án triển khai chậm vì nhiều nguyên nhân, liên quan đến việc chấp hành pháp luật về đất đai, nguồn vốn và có cả nguyên nhân từ cấp cơ sở trong công tác vận động giải phóng mặt bằng. Người dân vì bức xúc mà phát biểu mất kiểm soát, có thể cảm thông. Nhưng các đảng viên từng là lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp thành phố, hẳn phải nắm rõ việc triển khai các dự án ấy nhanh hay chậm là ngoài quyền hạn của lãnh đạo phường. Thậm chí có những dự án thuộc thẩm quyền giải quyết khi các đảng viên này còn đương chức, nhưng chính họ không giải quyết được. Thế nhưng khi về hưu, họ lại phê phán, chỉ trích những cán bộ đương nhiệm.

Tôi cắt ngang: Theo đồng chí, các biểu hiện ấy có nằm trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống được quy định trong Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII không? Bí thư Đảng ủy phường trả lời khéo léo, nhưng vẫn thừa nhận rằng: Việc một số đảng viên viện cớ không tham gia vận động hỗ trợ đồng bào miền Trung ở Chi bộ khu phố P.T thực chất là né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Chuyện “góp ý” theo kiểu chê bai, chỉ trích nằm ở các mục số 4, số 6 trong 27 biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết số 04-NQ/TW đã chỉ ra. Đó là “nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Chưa kể, khi góp ý về các dự án chậm triển khai, nếu không khéo sẽ rất dễ tác động tiêu cực, kích động tư tưởng bất mãn, chống đối trong quần chúng, gây khó khăn cho các dự án khác.

Bên cạnh số đảng viên hưu trí từng là cán bộ chủ chốt của tỉnh và thành phố Đ.X, phường T.P còn có hơn 2.200 đảng viên sinh hoạt theo Quy định số 213-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đây là đội ngũ trí thức rất quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng ở cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh. Tuy nhiên, qua tiếp xúc với đảng viên “213” và các đồng chí bí thư chi bộ khu dân cư cho thấy, đội ngũ ấy đông nhưng địa phương chưa “khai thác” được gì ở họ. Phần đông họ thờ ơ với những vấn đề, nhiệm vụ của địa phương nơi cư trú. Mỗi năm 2 lần sinh hoạt đảng viên “213”, nhưng kỳ sinh hoạt giữa năm thường vắng nhiều; chỉ buổi sinh hoạt cuối năm là họ có mặt đầy đủ, tham gia đóng góp chút ít với địa phương, liên hoan cuối năm và… nhận phiếu đánh giá, nhận xét của cấp ủy nơi cư trú là coi như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thực trạng này không riêng ở phường T.P hay ở thành phố Đ.X mà phổ biến ở nhiều nơi.

Như vậy, công thần không ở đâu xa mà ở ngay trong tư tưởng của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi ngày có những thời khắc “bệnh” công thần xuất hiện, phát tác. Nếu không thường xuyên trau dồi, rèn giũa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thường xuyên phát ngôn cảm tính, không vì cái chung; và nếu tổ chức cơ sở đảng không chú ý, bỏ qua những biểu hiện của “bệnh” công thần, sẽ gây nhiều bất lợi cho Đảng, chính quyền, vì người dân thường dựa vào câu “đảng viên đi trước…” để làm theo!

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/147697/cong-than-den-suy-thoai-chi-mot-gach-noi