'Công thức' bầu cử của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi có khả năng giành được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp trong năm bầu cử 2024, nhờ hai chiến lược chính thu hút sự ủng hộ từ đông đảo cử tri là phát triển kinh tế và tôn vinh đạo Hindu.
2024 hứa hẹn là một năm quan trọng với Ấn Độ. Cuộc bầu cử quốc gia sắp diễn ra vào tháng 4-5 sẽ là tâm điểm chú ý vì kết quả sẽ tác động mạnh mẽ đến chính sách quốc gia. Đồng thời, 2024 có thể là năm thứ ba liên tiếp Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Theo The Guardian, trong bối cảnh chính trị hiện tại, các chuyên gia đều đồng ý với quan điểm rằng Thủ tướng Modi và đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của ông sẽ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Cụ thể, kết quả các cuộc thăm dò cấp bang ngày 3/12/2023 tạo lợi thế lớn cho Thủ tướng Modi khi Đảng BJP của ông giành chiến thắng trong ba cuộc bầu cử ở các bang lớn vào tháng 12 (bang Hindi Chhattisgarh, Madhya Pradesh và Rajasthan). Trong khi đó, đảng đối lập Đại hội dân tộc Ấn Độ (INC, còn được gọi là Đảng Quốc đại) chỉ chiến thắng duy nhất ở bang miền Nam Telangana.
Sau chiến thắng này, ông Modi tự tin dự đoán rằng “ba lần liên tiếp đứng đầu trong các cuộc bầu cử bang này đã bảo đảm chiến thắng (của ông) trong cuộc bầu cử toàn quốc năm 2024”.
Kinh tế dẫn đầu
Tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu Vibrant Gujarat lần thứ 10 gần đây, Thủ tướng Modi tự hào chia sẻ rằng “Vào thời điểm thế giới đối mặt nhiều bất ổn, Ấn Độ nổi lên như tia hy vọng mới”.
Trên thực tế, dù tăng trưởng toàn cầu dự kiến giảm từ 2,6% xuống còn 2,4% vào năm 2024, nền kinh tế Ấn Độ dường như “bùng nổ” dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Modi. Nền kinh tế nước này tăng trưởng 7,6% trong quý III/2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào trên toàn cầu.
Theo Financial Times, Thủ tướng Modi sẽ tận dụng thành tích kinh tế trong suốt 10 năm cầm quyền để khẳng định vị thế và uy tín của mình trong cuộc bầu cử sắp tới.
Nhìn lại quá khứ, năm 2013, công ty tài chính và đầu tư quốc tế Morgan Stanley xác định Ấn Độ nằm trong nhóm “Năm nền kinh tế mong manh”, gồm các quốc gia Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này nằm trong nhóm các nền kinh tế mới nổi có nguy cơ tổn thương do phụ thuộc nhiều vào vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên, mười năm sau, Ấn Độ trở thành một trong những nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo công ty dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp đa quốc gia Ernst & Young, Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế có GDP 26 nghìn tỷ USD vào năm 2047. Đồng thời, nước này cũng là điểm đến quan trọng trong khuôn khổ chiến lược “China Plus One” (Trung Quốc cộng một) của các công ty đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và mở rộng hoạt động kinh doanh sang các quốc gia khác.
Những thành tựu kinh tế ấn tượng trên là bước đệm vững chắc cho Thủ tướng Modi, giúp ông có khả năng trở thành người đầu tiên không thuộc đảng Quốc đại giữ chức vụ Thủ tướng trong ba nhiệm kỳ liên tiếp.
Tôn vinh đạo Hindu
Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng BJP của Thủ tướng Modi có khả năng chiến thắng cao trong cuộc bầu cử sắp tới nhờ sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri theo đạo Hindu. Hiện Ấn Độ có khoảng 80% dân số theo đạo này.
Đảng BJP đã triển khai một số chính sách nhằm tôn vinh đạo Hindu và tận dụng lợi thế này để thúc đẩy kết quả bầu cử của mình. Một trong số đó là việc triển khai phong trào Ram Mandir, bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Narendra Modi.
Phong trào Ram Mandir tập trung xây dựng lại đền Ram tại Ayodhya, nơi được coi là nơi sinh của thần Ram, một trong những vị thần được tôn kính nhất trong đạo Hindu. Đối với Thủ tướng Modi, việc xây dựng đền Ram không chỉ có mục đích tôn vinh chủ nghĩa dân tộc Hindu, mà còn là dự án bầu cử cốt lõi của đảng BJP.
Điều này sẽ giúp tăng cường sự ủng hộ của cử tri theo đạo Hindu cho đảng BJP và ông Modi, đặc biệt từ các khu vực có dân số đông như Uttar Pradesh, Bihar, Maharashtra và West Bengal.
Tuy nhiên, việc phục hồi đền Ram Mandir là vấn đề gây tranh cãi trong xã hội Ấn Độ đương đại. Ngôi đền từ lâu xảy ra các cuộc tranh chấp kéo dài hàng thập kỷ giữa cộng đồng đạo Hindu và đạo Hồi. Đến năm 2019, Tòa án tối cao Allahabad ở Uttar Pradesh phán quyết rằng vùng đất tranh chấp được trao cho người theo đạo Hindu.
Đồng thời, chính phủ liên bang sẽ thành lập quỹ ủy thác để xây dựng đền Ram, người Hồi giáo sẽ được cấp đất ở nơi khác để xây dựng nhà thờ Hồi giáo. Cùng năm đó, khi thực hiện chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, ông Modi đã đưa ra cam kết xây dựng lại đền Ram.
Đền Ram bắt đầu được xây dựng lại vào năm 2020 và cho đến nay đã gần hoàn thiện. Ngày 22/1, Ấn Độ tổ chức lễ khánh thành đền Ram ở Ayodhya và mở cửa tham quan cho người dân vào ngày 23/1. Việc mở cửa ngôi đền trước thềm tổng tuyển cử quốc gia có thể sẽ gây tiếng vang lớn, mang lại lợi thế lớn cho Thủ tướng Modi qua việc thu hút tình cảm của người dân theo đạo Hindu.
Có thể nói, khả năng cao Thủ tướng Modi sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới với sự ủng hộ mạnh mẽ từ cử tri. Sự kết hợp giữa thành tựu kinh tế và tôn vinh đạo Hindu có thể là “công thức” bầu cử thành công cho đảng BJP và Thủ tướng Modi. Song, ông Modi vẫn cần cẩn trọng trong chiến lược và quyết sách của mình trong bối cảnh căng thẳng đạo Hindu và đạo Hồi gia tăng.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-thuc-bau-cu-cua-thu-tuong-an-do-narendra-modi-258340.html