Công thức 'PARENT' giúp các gia đình ở Đan Mạch tạo ra những đứa trẻ tích cực, lạc quan và không ngại khó khăn thế nào?
Nhắc tới Đan Mạch, người ta nghĩ ngay tới truyện cổ Andersen, đồ chơi Lego, bia Carlsberg… nhưng giờ đây nhiều người nói vui là Đan Mạch đã có thêm một mặt hàng 'xuất khẩu' mới, đó là cách nuôi dạy con cái.
Đơn cử như cuốn "The Danish way of parenting" (Làm cha mẹ kiểu Đan Mạch) của hai nữ tác giả Iben Sandahl - một nhà trị liệu tâm lý người Đan Mạch và Jessica Alexander - nhà báo Mỹ lấy chồng Đan Mạch, tới nay đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng.
Đây cũng là một trong những cuốn sách về giáo dục con cái bán chạy nhất của Amazon.com và được đưa vào giảng dạy tại nhiều nơi tại Mỹ.
Thế nào là "PARENT"?
Jessica Alexander nảy ra ý tưởng viết cuốn sách này khi về quê chồng chơi và nhận thấy trẻ em nơi đây vui vẻ, tự tin, hòa đồng, dễ thích ứng với hoàn cảnh hơn, so với trẻ em Mỹ.
Cách giáo dục con trẻ của người Đan Mạch đã được hai đồng tác giả, cũng là hai bà mẹ, tóm tắt bằng từ "PARENT", sơ lược như sau:
P - Play : Luôn tạo điều kiện để con được vui chơi
Những trò chơi thoải mái rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng vui chơi tự do, một mình hay với bạn bè giúp trẻ bớt lo âu và tăng khả năng thích ứng, đồng thời cải thiện kỹ năng xã hội cho trẻ.
Nó cũng làm trẻ cảm thấy như chúng có thể tự kiểm soát được cuộc sống của mình. Điều này dẫn tới khả năng tự quản và tự kiềm chế cao hơn khi trẻ trưởng thành.
Người Đan Mạch rất coi trọng việc vui chơi của trẻ, đó là lý do vì sao các chương trình giảng dạy trong những năm đầu tiểu học ở đất nước này về cơ bản là xoay quanh việc vui chơi của trẻ.
A - Authencity: Luôn đề cao sự chân thực
Việc bố mẹ bảo vệ con quá mức, tránh những cảm giác khó chịu có thể hạn chế sự phát triển cảm xúc của trẻ. Đan Mạch rất nổi tiếng với những câu chuyện cổ An-đéc-xen, với câu chuyện Cô bé bán diêm – một em bé mồ côi nghèo khổ không nhà bị chết vì đói và lạnh, hay với câu chuyện Nàng tiên cá đồng ý mất đi giọng nói và chịu đau đớn như đi trên dao găm để có thể trở thành con người, chỉ vì yêu chàng trai đã bỏ mặc cô.
Thế nhưng, những bố mẹ Đan Mạch không đọc cho con của họ nghe những câu chuyện này bởi vì chúng quá kinh khủng. Thay vào đó, họ biết rằng trò chuyện với con và để trẻ tiếp xúc với đủ mọi trạng thái xúc cảm sẽ dạy bé sự cảm thông, biết trân trọng và làm sao để kiểm soát cảm xúc của mình.
R - Reframing: Biết nhìn ra điểm tích cực trong những tình huống tiêu cực
Người Đan Mạch đặc biệt giỏi trong việc luôn nhìn ra mặt sáng của vấn đề. Nhưng họ không chối bỏ những điều tiêu cực mà chỉ là họ theo mẫu "lạc quan thực tế" và họ dạy con cái mình nhìn nhận vấn đề theo cách này.
Điều này không chỉ giúp cho cuộc sống họ thoải mái, vui vẻ mà khi gặp khó khăn, họ có thể luôn tìm ra các giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề. Thái độ sống lạc quan mang đến hạnh phúc, sự hài lòng cho bản thân và cả những người xung quanh.
E - Empathy: Hãy dạy con biết cảm thông
Các bố mẹ Đan Mạch cho rằng khả năng cảm thông và thấu hiểu cho người khác là một kỹ năng và trẻ hoàn toàn có thể học được. Tại Đan Mạch, có hẳn các chương trình quốc gia dạy trẻ về sự thấu cảm và các bài thực hành về ngôn ngữ, văn hóa khích lệ trẻ phát triển trí thông minh cảm xúc.
N - No Ultimatums: Đừng cố giành quyền thắng
Đây là nguyên tắc cơ bản trong cách dạy con của bố mẹ ở Đan Mạch. Người Đan Mạch không dạy con theo kiểu "cách của bố mẹ là tốt nhất". Họ không bao giờ dùng quyền làm cha mẹ để áp đặt lên con trẻ mà thay vào đó, họ luôn cố gắng để thấu hiểu, tin tưởng và tôn trọng con.
Họ chọn giao tiếp để giải quyết vấn đề, hơn là cố chấp giành chiến thắng trong các cuộc tranh luận với con cái.
T - Togetherness: Trân trọng khoảng thời gian gia đình ở bên nhau
Người Đan Mạch có một cụm từ là "at hygge sig" hay đơn giản là "hygge" nghĩa là "bên nhau ấm áp" và liên quan đến phong tục cùng tụ họp bên nhau như một gia đình của họ.
Theo truyền thống, điều này bao gồm cả gia đình cùng tham gia các trò chơi, ca hát, ăn uống – thường là quanh ánh nến. Cố gắng tạo sự gắn kết và tham gia hoạt động cộng đồng là một nét văn hóa vô cùng quan trọng của Đan Mạch.
Người Đan Mạch luôn ý thức được tầm quan trọng của gia đình, họ không đặt nặng vấn đề tiền bạc lên hàng đầu mà luôn đề cao giá trị cuộc sống về mặt tinh thần.
Ngoài ra, ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Đan Mạch đã được dạy: Bạn không thể thành công nếu chỉ có một mình. Một đứa trẻ có năng khiếu về toán học nhưng nếu không cộng tác với bạn bè sẽ không thể tiến xa. Bởi đứa trẻ này chắc chắn sẽ cần giúp đỡ ở các môn học khác.
Một nghiên cứu cũng cho thấy khi giải thích điều gì với ai đó, chẳng hạn như một bài toán, bạn không chỉ học lại bài tập đó tốt hơn nhiều so với việc tự học thuộc lòng mà còn xây dựng kỹ năng đồng cảm. Bởi bạn sẽ cần cẩn thận và chú ý đến cách người kia tiếp nhận thông tin và phải đặt mình vào họ để hiểu suy nghĩ của họ.
Mỗi xã hội, nền văn hóa, môi trường sống đều có những đặc thù riêng. Cách giáo dục trong gia đình và nhà trường tại Đan Mạch phản ánh rõ rệt quan niệm chung của người dân nơi đây là không có gì hoàn hảo hay tuyệt đối trong cuộc sống; chỉ là mỗi cá nhân cố gắng làm tốt nhất mọi chuyện trong khả năng để có một cuộc sống tốt hơn cho mình và cho những người chung quanh.
Có lẽ vì thế nên người Đan Mạch được xem là sống hạnh phúc hơn người dân tại nhiều quốc gia phát triển khác, cho dù đất nước này cũng có đủ vấn đề như bất cứ nơi nào, chưa kể đến thuế suất thu nhập cá nhân thuộc hàng cao nhất thế giới.