Công thức TikTok 'mì ăn liền' khiến khán giả phát ngán?
Sau khi các bài hát vô nghĩa được lan truyền mạnh mẽ trên TikTok, khán giả bắt đầu phản ứng và quay lưng với công thức làm nhạc cũ kỹ của mạng xã hội này.
CNBC đưa tin nhiều khán giả lẫn giới chuyên môn quốc tế lên tiếng chỉ trích các bản remix đang phủ sóng trên TikTok. Nền tảng này đang cho thấy dấu hiệu tiêu cực khi liên tục tạo ra những bản nhạc vô nghĩa, kém chất lượng như Twinkle Twinkle Little B---- hay abcdefu.
Công thức cũ kỹ khiến khán giả nhàm chán
Sự lên ngôi của TikTok giúp cho rất nhiều nghệ sĩ vô danh trở nên nổi tiếng trong chốc lát. Hàng loạt ca khúc gây bão, trở thành xu hướng thông qua mạng xã hội này. Tuy nhiên, hai năm gần đây cơn sốt TikTok bắt đầu giảm nhiệt và bắt đầu có những biểu hiện tiêu cực.
Các bản nhạc liên tục được sản xuất theo công thức “mì ăn liền” và lan truyền với tốc độ chóng mặt, không được đầu tư nhiều đến chất lượng âm nhạc lẫn tính sáng tạo. Gần như ai cũng có thể làm nhạc và tạo ra vô vàn sản phẩm “rác” hay “thảm họa”, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường âm nhạc.
Twinkle Twinkle Little B ---- là một ví dụ điển hình. Ca khúc sử dụng giai điệu quen thuộc của Twinkle Twinkle Little Star vốn là bài ru kinh điển viết cho trẻ em. Song, phần lời thì hoàn toàn thay đổi khi Late Kate dành thời gian để than vãn về người yêu cũ.
Khi ra mắt, sản phẩm nhận phản ứng dữ dội từ phía khán giả. “Các bài hát TikTok lặp đi lặp lại quá giống nhau", một khán giả nhận xét về video của Leah Kate. “Tôi quá mệt mỏi với âm nhạc TikTok”, một khán giả khác viết.
Tương tự, abcdefu của Gayle – tên thật Taylor Gayle Rutherford – ra đời ngay sau khi một người dùng TikTok yêu cầu cô “viết một bài hát chia tay bằng cách sử dụng bảng chữ cái”. Kết quả là, ca khúc dài chỉ vài dòng nhưng tràn đầy cảm xúc tiêu cực về cuộc sống khi người hát chửi mọi thứ từ mẹ ruột, chị gái đến công việc.
Trang NBC News còn liệt kê rất nhiều ví dụ như mad at disney, 2020 done with 2021, Build a Bitch, Like A Woman… và chỉ ra điểm chung của các ca khúc thị trường này. Tất cả đều được làm theo công thức khuôn mẫu với âm nhạc dễ nhớ nhưng ca từ thì sáo rỗng.
Nghệ sĩ lên tiếng khi bị giới hạn sáng tạo
Gần đây, rất nhiều ngôi sao nhạc pop quốc tế đã lên tiếng chỉ trích hãng đĩa khi liên tục ép họ phải tạo tài khoản TikTok để làm nhạc chạy theo trào lưu.
Tháng trước, Halsey gây bất ngờ khi tuyên bố hãng đĩa đe dọa sẽ không cho phép cô phát hành bất kỳ bài hát mới nào trừ khi họ có thể “giả mạo một khoảnh khắc viral trên TikTok”. Tương tự, Charli XCX cũng từng đăng một video cáo buộc hãng đĩa ép cô làm đến 8 video trên TikTok trong một tuần.
Đến cả tên tuổi ăn khách như Adele cũng lo ngại về sức ảnh hưởng của TikTok. Ngôi sao khẳng định hãng đĩa đã đề nghị làm video để đăng lên mạng xã hội này nhưng cô từ chối. Thậm chí, ca sĩ Florence Welch – trưởng nhóm Florence the Machine – còn phải kêu cứu khán giả vì bị ép làm những video TikTok “low fi” - vốn chẳng phải phong cách âm nhạc của cô.
Trong khi ngôi sao quốc tế phản đối, các nghệ sĩ Việt lại liên tục chạy theo thị hiếu. Hàng loạt tên tuổi như Min, Erik, Thiều Bảo Trâm, Quang Hùng MasterD,… tìm cách phát hành các bản remix với mong muốn tạo viral và chiều lòng người nghe.
Đáng chú ý, các nghệ sĩ trong nước chỉ tập trung vào việc remix các ca khúc theo hướng Vinahouse (một nhánh của dòng nhạc điện tử) thiếu chiều sâu và không có chất riêng. Điều đó khiến cho TikTok tác động tiêu cực đến thị trường âm nhạc, trở thành hồi chuông báo động hiện nay.