Công thức vàng để ngành nhôm Việt bứt phá
Giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu, nội địa hóa nguồn cung cùng công nghệ tái chế là chìa khóa thành công cho doanh nghiệp nhôm Việt Nam từ 2025.
Trong bối cảnh ngành nhôm Việt Nam tiếp tục có những bước phát triển ổn định với sản lượng năm 2024, tăng 14,5% so với năm trước, các chuyên gia trong lĩnh vực đã chia sẻ những góc nhìn đa chiều về cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước.
Dấu hiệu tích cực xen lẫn thách thức
Chia sẻ tại hội thảo “Ngành Công nghiệp kim loại màu và ứng dụng – Kết nối thương mại Trung Quốc - Việt Nam" mới đây, ông Nguyễn Minh Kế, Chủ tịch Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (VAA) đã chia sẻ bức tranh toàn cảnh của ngành nhôm với các con số vô cùng ấn tượng.
Theo đó, tổng sản lượng nhôm của toàn ngành đạt 1.127.853 tấn trong năm 2022, tuy có sự sụt giảm xuống còn 1.028.205 tấn vào năm 2023, nhưng đã hồi phục trở lại với 1.239.910 tấn vào năm 2024.
“Những con số này chứng tỏ ngành nhôm đang dần khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị công nghiệp, dù vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định và giá cả cạnh tranh,” ông Kế nhận định.
Theo dự báo, quy mô thị trường nhôm Việt Nam sẽ đạt 4,53 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 và có thể tăng lên 7,3 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030. Một trong những động lực chính cho sự tăng trưởng này là ngành xây dựng, nơi chiếm tới 38% tổng nhu cầu sử dụng nhôm.

Xây dựng chính là ngành chiếm tổng nhu cầu sử dụng nhôm cao nhất, giúp ngành nhôm khẳng định vị thế của mình trong chuỗi giá trị công nghiệp. Ảnh minh họa: Hoàng Anh
Ngành nhôm Việt Nam được phân phối chủ yếu cho các lĩnh vực như xây dựng, đóng gói, giao thông và điện tử. Dự báo cho thấy, với các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại Việt Nam, ngành xây dựng sẽ tiếp tục là trụ cột chính thúc đẩy nhu cầu đối với nhôm trong những năm tới.
Tuy nhiên, ông Kế cũng lưu ý rằng, ngành hiện vẫn gặp phải những thách thức đáng kể, đặc biệt là việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, gần như 100%, chủ yếu từ các nước như Trung Quốc và Đức, cũng như áp lực từ biến động giá cả trên thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, ngành nhôm hiện cũng đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa công suất sản xuất, khi mà công suất hoạt động hiện tại dao động từ 40% đến 70% trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa hồi phục hoàn toàn. Các biện pháp phòng vệ thương mại từ các quốc gia khác cũng đang là thử thách cho hoạt động xuất khẩu của ngành nhôm Việt Nam.
Hiện tượng "rửa xuất xứ" cũng đang là một vấn đề nhức nhối, khi nhiều nhà sản xuất nước ngoài lợi dụng để xuất khẩu sản phẩm nhôm mang xuất xứ Việt Nam. Điều này không chỉ làm tổn hại đến uy tín của ngành mà còn kéo theo những rủi ro pháp lý nghiêm trọng.
Nội địa hóa nguồn nguyên liệu – Giải pháp chủ động cho ngành
Một trong những vấn đề được các chuyên gia đề cập nhiều nhất là sự phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu nhập khẩu.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp nội địa đang nỗ lực chuyển đổi mô hình sản xuất thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tái chế nhôm.
Ngành nhôm hiện đang thể hiện một sự tăng trưởng vượt bậc với sự bùng nổ trong nhu cầu của các ngành như xây dựng, sản xuất ô tô và điện tử tăng cao.
Việc tự chủ nguồn nguyên liệu và ứng dụng công nghệ tái chế là yếu tố quyết định cho sự ổn định và phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp đang dần chuyển hướng, tập trung đầu tư vào các hệ thống tái chế nhôm hiện đại với mục tiêu chiếm khoảng 20% tổng sản lượng nhôm đùn ép. Qua đó, không chỉ giảm bớt sự lệ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài mà còn giúp ổn định giá thành sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc dự báo và quản lý rủi ro.

Ứng dụng công nghệ tái chế và tự chủ nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định cho sự ổn định và phát triển bền vững cho ngành nhôm Việt Nam. Ảnh minh họa: Hoàng Anh
“Chúng ta đang chứng kiến một xu hướng chuyển mình rõ nét, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh việc tái chế nhôm nhằm giảm sự lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. Việc gia tăng công suất tái chế nhôm không chỉ là giải pháp kinh tế mà còn là bước tiến quan trọng hướng tới bảo vệ môi trường.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ hiện đại để chuyển đổi nguồn nguyên liệu, giúp giảm chi phí sản xuất và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, ông Vũ Văn Phụ, Phó chủ tịch VAA nêu ý kiến.
Đây cũng là thông điệp mà các doanh nghiệp nội địa cần ghi nhớ, khi mà xu thế sản xuất xanh và giảm phát thải CO2 đang ngày càng được các thị trường khó tính như EU và Mỹ ưu tiên.
Xu hướng “sản xuất xanh” và ứng dụng công nghệ hiện đại, bao gồm cả việc tích hợp các hệ thống tự động hóa và kiểm soát chất lượng bằng AI, đang là hướng đi cần thiết để doanh nghiệp không chỉ duy trì mà còn nâng cao vị thế trên thị trường, ông Phụ nhấn mạnh.
Bên cạnh tối ưu hóa quy trình sản xuất, việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nội địa sẽ giúp tạo ra một chuỗi cung ứng vững mạnh, hạn chế rủi ro từ biến động giá cả nguyên liệu nhập khẩu. Đồng thời, theo ông Phụ, hợp tác và hội nhập với các đối tác chiến lược trong khu vực sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đặc biệt là các thị trường năng động như châu Á.
Việc đầu tư vào công nghệ tự chủ sản xuất nhôm sơ cấp được xem là một hướng đi chiến lược, hứa hẹn mang lại lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa khi đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Áp lực cạnh tranh từ FDI và cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu
Theo ông Lu Jian, Phó tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp chế tạo kim loại màu Trung Quốc (CNFA) và ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), ngành nhôm Việt Nam đang đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là từ Trung Quốc. Đồng thời, cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đi kèm với những thách thức về tiêu chuẩn và chính sách thương mại quốc tế.
Các doanh nghiệp FDI có tiềm lực tài chính mạnh, sở hữu công nghệ sản xuất hiện đại và vận hành trên quy mô lớn, điều này giúp họ tối ưu chi phí và nâng cao năng suất.
Nếu các doanh nghiệp nội địa không nhanh chóng nâng cấp công nghệ và tối ưu hóa quy trình, họ có thể gặp khó khăn trong việc giữ vững thị phần ngay tại thị trường trong nước.
Ông Lu Jian nhận định, các doanh nghiệp FDI, đặc biệt từ Trung Quốc, đang ngày càng gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam nhờ vào lợi thế về công nghệ sản xuất tiên tiến, quy mô đầu tư lớn và khả năng tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Theo ông, điều này đặt ra hai mặt tác động đối với ngành nhôm nội địa.
Một mặt, sự tham gia của doanh nghiệp FDI mang lại chuyển giao công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất hiện đại, tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các hệ thống tự động hóa và công nghệ kiểm soát chất lượng bằng AI đang trở thành yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng suất và giảm chi phí sản xuất.

Doanh nghiệp FDI sẽ mang đến nhiều thuận lợi giúp doanh nghiệp nội địa có khả năng tiếp cận kỹ thuật sản xuất hiện đại, tối ưu hóa quy trình và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh minh họa: Hoàng Anh
Mặt khác, cạnh tranh giữa doanh nghiệp nội địa và FDI ngày càng khốc liệt hơn. “Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chỉ có tiềm lực tài chính mạnh mà còn có khả năng khai thác hiệu quả chuỗi cung ứng và hệ thống sản xuất quy mô lớn. Nếu doanh nghiệp nội địa không nhanh chóng nâng cấp công nghệ và tối ưu hóa chi phí, sẽ có nguy cơ bị lấn át ngay trên chính sân nhà,” ông Lu Jian nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Toàn cũng chỉ ra rằng, làn sóng đầu tư từ Trung Quốc không chỉ mang lại cơ hội hợp tác mà còn đặt ra những thách thức đáng kể cho doanh nghiệp Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế lớn khi đầu tư vào ngành nhôm nhờ chi phí sản xuất cạnh tranh và chính sách hỗ trợ từ cả hai nước. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp nội địa bị lép vế, đặc biệt nếu chưa kịp đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản trị”, ông Toàn nói.
Bên cạnh đó, ông Toàn lưu ý rằng, sự gia tăng đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong ngành, khi các công ty nội địa có nguy cơ bị phụ thuộc vào nguồn vốn và công nghệ từ FDI thay vì chủ động phát triển năng lực sản xuất của riêng mình.
Dù đối mặt với cạnh tranh từ doanh nghiệp FDI, theo ông Lu Jian, ngành nhôm Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là khi tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP và CPTPP.
Ông Lu Jian lưu ý rằng, các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế nhờ vào chi phí sản xuất cạnh tranh, nhưng để thực sự vươn xa trên thị trường quốc tế, việc đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và kỹ thuật là điều kiện tiên quyết.
“Các rào cản thương mại, đặc biệt là thuế carbon của châu Âu và chính sách bảo hộ thương mại từ Mỹ, sẽ đặt ra yêu cầu khắt khe đối với doanh nghiệp xuất khẩu. Việc đầu tư vào sản xuất xanh và giảm phát thải carbon không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua những quy định này mà còn tạo lợi thế cạnh tranh khi tiếp cận các thị trường cao cấp”, ông Lu Jian nhận định.
Một xu hướng đáng chú ý khác là sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, khi các tập đoàn quốc tế tìm kiếm nguồn cung mới ngoài Trung Quốc. Đây có thể là cơ hội để các doanh nghiệp nhôm Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng của những thương hiệu lớn, nếu có sự chuẩn bị bài bản về chất lượng và công nghệ sản xuất.
Nhìn chung, để giữ vững vị thế trên thị trường nội địa cũng như mở rộng ra quốc tế, doanh nghiệp nhôm Việt Nam cần chủ động đổi mới công nghệ, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe.