Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 11/8: Giảm công suất nhiệt điện than xuống 13,2% vào năm 2045

Nội dung nổi bật qua góc nhìn báo chí ngành Công Thương ngày qua là vấn đề giảm công suất nhiệt điện than, tận dụng lợi thế xuất khẩu từ EVFTA.

Cụ thể, về vấn đề năng lượng thông qua buổi làm việc của Thứ trưởng Đặng Hoàng An tại buổi Đối thoại chính sách cấp cao ASEAN về than do Bộ Công Thương tổ chức đã được nhiều báo đề cập. Trong đó, Báo Đảng Cộng sản có bài: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ sử dụng than sang năng lượng sạch, Báo đầu tư tài chính Sài Gòn cũng có bài: Giảm công suất nhiệt điện than xuống 13,2% vào năm 2045.

Theo đó, để từng bước thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 là hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, kể từ sau năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện mới.

Tiếp đó, theo lộ trình, năm 2045, Việt Nam sẽ giảm công suất các nhà máy nhiệt điện than chỉ còn khoảng 13,2% trong tổng công suất các nhà máy điện.

Kể từ sau năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện mới.

Kể từ sau năm 2030, Việt Nam sẽ không phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện mới.

Bộ Công Thương cho biết, vấn đề quan trọng cần phải đặt ra và nghiên cứu là tương lai và vị trí của ngành công nghiệp than tại khu vực ASEAN trong quá trình chuyển đổi ngành năng lượng khu vực. Tại nhiều quốc gia, khai thác và chế biến than là một ngành công nghiệp quan trọng, cung cấp nhiều công ăn việc làm. Trong quá trình chuyển dịch năng lượng đang được đẩy nhanh tương lai ngành công nghiệp than cần được Chính phủ các quốc gia quan tâm và định hướng.

Cũng liên quan đến vấn đề năng lượng, Báo Chính phủ có bài: Cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện đã được cải thiện. Theo bài báo, sau khi có sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tình hình cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện đã được cải thiện. Tính đến hết tháng 7/2022, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã cung cấp cho các hà máy nhiệt điện của EVN 10,093 triệu tấn than, tương đương 96,45% tổng khối lượng hợp đồng 7 tháng.

Theo đánh giá của EVN, về cơ bản khối lượng than cấp đã đáp ứng nhu cầu vận hành của các nhà máy nhiệt điện. Riêng hà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 còn thiếu khoảng 400.000 tấn. Một trong những giải pháp hiện nay để tăng lượng than cấp bổ sung cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 là điều chỉnh giảm kế hoạch cấp cho các nhà máy nhiệt điện phía bắc đang có nhu cầu giảm. Thời gian tới, TKV sẽ thu xếp nguồn than để bảo đảm đủ nhiên liệu cho EVN phát điện trong năm 2022.

Tương tự, Báo Đầu tư có bài: Bộ Công Thương được yêu cầu làm rõ thêm một số vấn đề về Quy hoạch điện VIII. Cụ thể, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 238/TB-VPCP ngày 9/8/2022, thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 7/8/2022 về rà soát một số nội dung chuẩn bị cho cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, gọi tắt là Quy hoạch điện VIII. Đã có 4 vấn đề được nhắc tới trong Thông báo 238/TB-VPCP. Với các vấn đề nêu trên, Bộ Công thương được giao khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 11/8/2022.

Về xuất nhập khẩu, Báo Vietnamplus có bài: Tận dụng hiệp định EVFTA: Cơ hội nâng cao giá trị hàng xuất khẩu

Theo Cục Xuất nhập khẩu, đa số các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200% khi EVFTA có hiệu lực.

Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy 8 trong số 12 ngành hàng có nhiều dư địa phát triển tại thị trường EU khi thực thi Hiệp định EVFTA thì thực tế sau 2 năm, từ thủy, hải sản, rau quả/trái cây tươi, càphê, hạt điều, hồ tiêu, cao su và gạo đều cho những kết quả tăng trưởng mạnh mẽ cả số lượng và giá trị thu được.

Tác động của Hiệp định EVFTA là một xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy, với một thị trường lớn với những tiêu chuẩn rất khắt the, việc tuân thủ đúng các quy định liên quan đến quy tắc xuất xứ là rất quan trọng, bởi đây vừa là hàng rào nhưng cũng là công cụ để giúp cho các doanh nghiệp có thể tận dụng được ưu đãi từ hiệp định này, tránh chuyện gian lận xuất xứ từ các nước cạnh tranh khác.

Báo VOV có bài: Xuất khẩu thủy sản của Cà Mau tăng mạnh. Theo Sở Công Thương Cà Mau, kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 1,1 triệu USD, tăng gần 10% so với năm 2020. Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của tỉnh đạt gần 848 triệu USD, bằng 73% kế hoạch, tăng hơn 42% so với cùng kỳ.

Một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng ấn tượng của xuất khẩu Việt Nam nói chung, của tỉnh Cà Mau nói riêng chính là các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, phải kể đến những hiệp định có hiệu lực gần đây như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)...

Liên quan đến giá xăng, Vnexpresscó bài: Giá xăng giảm, hàng hóa đứng yên. Cụ thể, gần đây, khi giá xăng đã giảm 6.500 đồng, giá mặt hàng này lại không có nhiều thay đổi. Khảo sát của tờ báo cho thấy gas, than là những nhiên liệu, chất đốt có giá tăng cao kỷ lục. Cuối tháng 5, gas lên mức 550.000 đồng (bình xanh 12 kg), sau đó hạ về 430.000 đồng cuối tháng 7. Tuy đã giảm 4 tháng liên tiếp, giá gas vẫn còn cao hơn cùng kỳ khoảng 3,2%.

Chính phủ cũng đã yêu cầu các cơ quan kiểm tra, rà soát để làm rõ vì sao giá cả hàng hóa chưa hạ nhiệt theo giá xăng. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra này chưa được công bố.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-thuong-qua-goc-nhin-bao-chi-ngay-118-giam-cong-suat-nhiet-dien-than-xuong-132-vao-nam-2045-216884.html