Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 6/8: Quản lý thị trường cả nước tổng kiểm tra các mặt hàng không giảm giá

Một trong những nội dung được phản ánh nhiều trên các trang báo ngày 6/8 là vấn đề xuất nhập khẩu; quản lý thị trường kiểm tra tình trạng găm hàng bất hợp lý…

Cụ thể Báo Nhân dân phản ánh qua bài viết: “Ngăn chặn tình trạng găm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”. Sau bốn lần giảm giá xăng, dầu, giá cước các dịch vụ vận tải đã rục rịch giảm. Tuy nhiên, giá các hàng hóa, dịch vụ giảm chậm hơn, trong đó, không ít hàng hóa, dịch vụ vẫn neo giá cao như thời điểm trước. Các ngành chức năng cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng găm giá bất hợp lý, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Cụ thể, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh) Ngô Hồng Y cho biết: Để hỗ trợ doanh nghiệp giữ ổn định giá, trong ngắn hạn, thành phố tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí trung gian trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng thông qua việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu với các tỉnh, thành phố khác; tiết giảm chi phí tiếp thị và thời gian, chi phí tìm kiếm nguồn hàng cho doanh nghiệp...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, thành phố Hà Nội triển khai chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu từ tháng 6/2022 đến tháng 6/2023, đồng thời, ngành công thương sẽ tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng, dầu trên địa bàn, tránh gây ra những tác động tiêu cực tới giá các loại hàng hóa, dịch vụ khác.

Bộ Công Thương đã có công điện gửi lực lượng Quản lý thị trường yêu cầu đơn vị này triển khai tổng kiểm tra với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.

Bộ Công Thương đã có công điện gửi lực lượng Quản lý thị trường yêu cầu đơn vị này triển khai tổng kiểm tra với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.

Trước tình trạng giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu cũng như các dịch vụ vận tải phục vụ người dân vẫn ở mức cao, Bộ Công Thương và Bộ GTVT đã có công điện về vấn đề này. Đề cập đến vấn đề này, Truyền hình Quốc hội đưa tin: “Quản lý thị trường cả nước tổng kiểm tra các mặt hàng không giảm giá”.

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có công điện gửi lực lượng Quản lý thị trường yêu cầu đơn vị này triển khai tổng kiểm tra với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022. Tập trung vào các hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thịt heo, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế qua đó có đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.

Bộ Giao thông vận tải cũng vừa có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam; các Cục: Hàng hải Việt Nam, Hàng không Việt Nam, Đường sắt Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam; Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu triển khai nghiêm túc việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Đặc biệt, tăng cường công tác tổ chức kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp .

Bên cạnh đó, phản ánh về vấn đề xuất khẩu, Báo Đại biểu nhân dân có bài: “Mở rộng thị trường cho đồng bằng sông Cửu Long". Báo nêu, ngày 5/8, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường cho khu vực này.

Đồng bằng sông Cửu Long đóng góp giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu hàng năm đạt hơn 31 tỷ USD. Theo đó, các sản phẩm của đồng bằng sông Cửu Long, còn rất nhiều dư địa để vào thị trường EU. Tuy nhiên, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan Võ Thị Ngọc Điệp khuyến nghị các địa phương cần có chính sách hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu nhiều sản phẩm hơn đến với nước bạn; phối hợp chặt chẽ với Thương vụ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu phải chú ý đến những quy định của EU và Hà Lan. Thường xuyên cập nhập thông tin thị trường, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm bao bì; chú trọng công tác quảng bá, xây dựng thương hiệu. Có biện pháp xác minh kỹ đối tác trước khi tiến hành giao dịch thương mại và đầu tư, tránh những phát sinh sau này.

Để đưa các sản phẩm Việt vào thị trường Australia không quá khó, ông Đỗ Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Australia - Việt (AVBC) nói. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần tận dụng tốt các hiệp định thương mại như CPTPP, RCEP... để sản phẩm được miễn thuế khi xuất khẩu. Cùng với đó, chất lượng và nguồn gốc sản phẩm là tiêu chuẩn hàng đầu. “AVBC sẵn sàng hỗ trợ kết nối giao thương ở các lĩnh vực nếu các doanh nghiệp xuất khẩu khu vực đồng bằng sông Cửu Long có nhu cầu”, ông Sơn cam kết.

Cũng đưa tin về hội nghị này, Thời báo Tài chính có bài “Hỗ trợ doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long mở rộng thị trường xuất khẩu”. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Hội nghị cũng sẽ cung cấp thêm thông tin, giải pháp giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu...

Đồng thời, hội nghị nhằm giúp kết nối doanh nghiệp với các cơ quan đại diện, tổ chức Xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhà phân phối các địa phương gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm; đổi mới phương thức và tập hợp các hoạt động Xúc tiến thương mại thành một sự kiện lớn nhằm tạo hiệu ứng mạnh và sức lan tỏa để nâng cao hiệu quả.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-thuong-qua-goc-nhin-bao-chi-ngay-68-quan-ly-thi-truong-ca-nuoc-tong-kiem-tra-cac-mat-hang-khong-giam-gia-216424.html