Công Trí và nhiều nghệ sĩ 'nhúng chàm': Đừng nhầm lẫn giữa công và tội
Showbiz Việt liên tiếp rúng động khi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Công Trí, Thùy Tiên, Chi Dân...vướng vòng lao lý. Họ là nghệ sĩ có tài năng từng được khán giả tung hô nhưng khi họ vi phạm pháp luật thì không gì có thể bao biện. Công chúng cần phân định rõ công ra công, tội là tội.
Thông tin nhà thiết kế (NTK) hàng đầu Nguyễn Công Trí bị bắt vì liên quan đến ma túy gây rúng động mạng xã hội từ hôm qua (23/7). Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công an thành phố đã triệt phá đường dây mua bán, tổ chức sử dụng ma túy do nhà thiết kế Nguyễn Công Trí và đồng phạm thực hiện. Hiện Công an TP Hồ Chí Minh đang hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc này gây bất ngờ lớn cho công chúng bởi Nguyễn Công Trí từ lâu đã được xem là "anh cả làng mốt Việt", là gương mặt đại diện của thời trang Việt trên sàn diễn quốc tế, từng hợp tác với nhiều ngôi sao lớn như Beyoncé, Rihanna, Katy Perry... Giới chuyên môn nể phục tài năng, khán giả ngưỡng mộ thương hiệu cá nhân, nhưng tất cả giờ đây đối mặt với sự thất vọng: một hình ảnh đẹp đẽ trong công chúng đã sụp đổ vì sai phạm liên quan đến chất cấm.
Một danh sách dài nghệ sĩ vướng vòng lao lý
Trước Nguyễn Công Trí, showbiz Việt đã chứng kiến không ít nghệ sĩ bị xử lý vì liên quan đến ma túy. Danh sách những cái tên “nhúng chàm” ngày càng dài và mỗi cái tên thêm vào đều gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả giới nghệ thuật lẫn công chúng.

Nguyễn Công Trí cùng tang vật
Gần đây nhất, vào tháng 11/2024, người mẫu Andrea Aybar (An Tây) bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt khẩn cấp với cáo buộc tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Cảnh sát kiểm tra căn hộ của cô và phát hiện có chất ma túy cùng dấu hiệu sử dụng. Cùng thời điểm, ca sĩ Chi Dân cũng bị phát hiện sử dụng ma túy tại một căn hộ ở TP.HCM. Sau xét nghiệm, anh cho kết quả dương tính và bị khởi tố điều tra với cùng cáo buộc như Andrea.
Tháng 6/2024, ca sĩ Chu Bin bị tạm giữ tại quận 10 (TP.HCM) vì nghi vấn tổ chức sử dụng ma túy. Dù sau đó được thả và xử phạt hành chính, nhưng vụ việc ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của anh. Nam ca sĩ phải lên tiếng xin lỗi công chúng trong nước mắt: “Tôi mong mọi người cho tôi cơ hội sửa sai, được làm lại từ đầu và tiếp tục đứng trên sân khấu”.
Tháng 3/2025, người mẫu Nhikolai Đinh bị kết án 2 năm tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Trước đó, anh cùng nhiều người khác bị phát hiện mang theo nhiều gói ma túy khi bị kiểm tra. Xa hơn, vào tháng 4/2023, diễn viên Lệ Hằng – từng nổi tiếng qua vai Hoài "Thát-chơ" trong phim "Xin hãy tin em" – cũng bị khởi tố vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Cô từng là gương mặt quen thuộc của truyền hình Việt, góp mặt trong nhiều phim lớn và từng hoạt động ở Nhà hát Tuổi trẻ.

Tháng 11/2024, người mẫu Andrea Aybar (An Tây) bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt khẩn cấp với cáo buộc tàng trữ và tổ chức sử dụng trái phép ma túy
Năm 2022, diễn viên hài Hữu Tín bị bắt vì tổ chức sử dụng ma túy. Đến tháng 4/2023, anh bị kết án 7 năm 6 tháng tù. Trong phiên tòa, anh thừa nhận hành vi sai trái của mình bắt nguồn từ sự tò mò và thiếu kiểm soát sau khi uống rượu.
Không chỉ riêng những vụ liên quan đến ma túy, thời gian qua, showbiz Việt cũng chứng kiến nhiều nghệ sĩ, người nổi tiếng vướng vào vòng lao lý vì các hành vi vi phạm pháp luật khác. Một trong những ví dụ điển hình là vụ việc Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố vì hành vi quảng cáo sai sự thật liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera.
Trước đó, người mẫu Ngọc Trinh bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Gây rối trật tự công cộng". Cụ thể, cô bị kết án vì đã thực hiện các hành vi lái xe nguy hiểm, không mặc đồ bảo hộ, và đăng tải các video này lên mạng xã hội.
Không nên đánh đồng giữa công và tội của nghệ sĩ
Sau khi vụ việc của nhà thiết kế Công Trí bị công bố, mạng xã hội nhanh chóng chia thành hai luồng ý kiến trái chiều. Một bộ phận khán giả và người nổi tiếng tỏ ra tiếc nuối, thậm chí lên tiếng bênh vực. Họ cho rằng, Công Trí là tài năng lớn, người đã đưa thời trang Việt vươn tầm quốc tế, là biểu tượng sáng tạo và đẳng cấp trong giới nghệ thuật, nên cần được “bao dung” vì "ai cũng có lúc lầm lỡ".
Tương tự, khi thông tin Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố vì quảng cáo sai sự thật liên quan đến kẹo rau củ Kera, mạng xã hội cũng tràn ngập những bình luận tiếc nuối: “Buồn quá, thật tiếc cho Thùy Tiên”, “Tiếc cho sự nghiệp mà em ấy đã cố gắng có được”...

Nhiều người tiếc khi Hoa hậu Thùy Tiên vướng vòng lao lý.
Tâm lý chung của đám đông là sốc, tiếc và muốn tìm lý do để “giảm nhẹ” cho những người từng là niềm tự hào. Thậm chí, có người đặt câu hỏi: “Truyền thông có đang vùi dập người nổi tiếng?”.
Tuy nhiên, chính những phản ứng cảm tính đó mới là vấn đề đáng lo ngại. Bởi nó làm nảy sinh sự đánh tráo khái niệm giữa “có tài” và “có quyền được sai mà không bị xử lý như người bình thường”.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã thẳng thắn lên tiếng về vấn đề này: “Ai vi phạm thì phải xử lý. Còn về quan điểm cá nhân của tôi, tôi nghĩ rằng những người nổi tiếng thì nên xử nặng gấp mười lần. Tại vì họ có ảnh hưởng đến xã hội, đến người trẻ. Còn nếu nói một cách khách quan thì đã là pháp luật thì ai cũng bình đẳng trước pháp luật, không thể có chuyện vì nổi tiếng mà được ưu ái hay nương nhẹ. Chuyện đó là không chấp nhận được”.
Theo ông Long, người nổi tiếng càng có ảnh hưởng thì càng phải cẩn trọng, bởi họ là hình mẫu trong mắt công chúng. Họ có thể truyền cảm hứng sống tốt, nhưng cũng có thể vô tình khiến người trẻ học theo những lệch chuẩn nếu không được xử lý rõ ràng:
“Họ có thể học theo thần tượng để sống đẹp, nhưng cũng có thể học theo những thói hư tật xấu nếu không được cảnh báo rõ ràng. Và điều nguy hiểm là khi một hành vi sai trái không bị xã hội chỉ trích, không bị pháp luật xử lý kịp thời thì nó vô tình trở thành 'tiền lệ'. Người ta nhìn vào và nghĩ rằng: 'Thần tượng của tôi làm thế đấy, có sao đâu?' – thế là họ làm theo”.
Ông Long cảnh báo, sự mù quáng trong việc “bênh vực người nổi tiếng bằng mọi giá” còn có thể tạo ra mâu thuẫn xã hội giữa cha mẹ và con cái, giữa thầy cô và học trò, giữa luật pháp và nhận thức cộng đồng.
“Tiếc thì được nhưng không được quyền cổ xúy hay tấn công dư luận, truyền thông. Có người nói rằng truyền thông đang 'vùi dập' một tài năng nhưng thật ra không ai vùi cả, chính người đó tự dập. Khi đã vi phạm pháp luật, thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về họ, không thể đổ lỗi cho ai khác được.
Thử nghĩ mà xem, nếu người đó không phải là Công Trí – một nhà thiết kế nổi tiếng – thì dư luận đã lên án gay gắt rồi. Nhưng vì đó là Công Trí nên nhiều người lại tìm cách bênh vực. Chính điều này khiến xã hội nảy sinh nghi ngờ: phải chăng người nổi tiếng thì được pháp luật nương nhẹ? Phải chăng có sự phân biệt trong cách xử lý?
Đó chính là điều nguy hại nhất: nó làm suy giảm niềm tin của người dân vào sự nghiêm minh của pháp luật, làm lệch chuẩn nhận thức xã hội về đúng – sai, công bằng – thiên vị. Và trong xã hội pháp quyền, không ai được đứng ngoài luật pháp, bất kể họ nổi tiếng đến đâu".
Theo ông Long, khi đã trở thành người nổi tiếng, nghệ sĩ phải hiểu rõ vị trí xã hội của mình. Họ không chỉ là người làm nghề, mà còn là “tấm gương”, là biểu tượng trong mắt công chúng. Mỗi hành vi, mỗi lời nói của họ đều có sức lan tỏa lớn. Sự nghiệp rực rỡ có thể tan biến trong một khoảnh khắc nếu đi lệch khỏi lằn ranh đạo đức – và càng nổi tiếng, hậu quả càng nặng nề.
Việc xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm không phải là “vùi dập” mà là bảo vệ chuẩn mực xã hội. Công chúng có thể tiếc cho những gì nghệ sĩ đã đóng góp, nhưng không thể lấy "cái tài" để bào chữa cho cái sai. Công là công – tội là tội. Đó mới là nguyên tắc công bằng đích thực.