Công trình Cung điện Nhà nước Indonesia tại thủ đô mới đậm nét văn hóa và thân thiện với môi trường

Kiến trúc sư Nyoman Nuarta đã đăng tải lên tài khoản Instagram cá nhân video clip và hình ảnh toàn bộ công trình Cung điện Nhà nước (IKN) tại thủ đô mới ở Sepaku, quận Bắc Penajam Paser, Đông Kalimantan, đã được Tổng thống Indonesia Joko Widodo phê duyệt.

Toàn cảnh thiết kế công trình Cung điện Nhà nước của kiến trúc sư Nyoman Nuarta. Ảnh: jakartaglobe.id

Toàn cảnh thiết kế công trình Cung điện Nhà nước của kiến trúc sư Nyoman Nuarta. Ảnh: jakartaglobe.id

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, kiến trúc sư Nyoman cho biết thiết kế công trình IKN đã hoàn thành và được Tổng thống Joko Widodo phê duyệt tại cuộc họp ngày 3/1 với Thư ký Nhà nước Pratikno, Bộ trưởng Bộ Công chính và nhà ở công cộng (PUPR) Basuki Hadimuljono và Tổng Giám đốc phụ trách vấn đề định cư thuộc PUPR Diana Kusumastuti.

Quần thể cung điện trải dài trên 55 ha, được thiết kế kết hợp nhiều không gian xanh, từ bên ngoài đến bên trong các tòa nhà. IKN được chia thành 4 phần chính. Phía trước là bãi cỏ lớn nơi đặt quốc kỳ Indonesia. Kế đến là không gian chính gồm tòa nhà có tiền sảnh lớn được thiết kế khá rộng rãi, với 20 cột trụ song song trải dài lối vào cung điện, mang lại sự bề thế, vững chắc. Bên trong tòa nhà có nhiều không gian xanh tạo cảm giác dễ chịu khi làm việc, tổ chức hội nghị. Xung quanh và trên nóc tòa nhà cũng được trồng nhiều cây xanh và bài trí tiểu cảnh tạo cảm giác thoáng mát và thân thiện với môi trường.

Lối dẫn vào không gian tiếp theo của quần thể được phủ toàn bộ cỏ xanh và tiểu cảnh như bước từng bậc thang lên đỉnh cao. Trên ngọn đồi cỏ xanh, kiến trúc sư Nyoman đã khéo léo đưa vào một số tòa nhà nhỏ hơn nhằm gia tăng tiện ích cho khuôn viên IKN.

Phần cuối cùng là điểm nhấn của IKN, được lấy ý tưởng từ hình ảnh chim thần Garuda đang sải cánh - loài chim thần trong thần thoại của người Indonesia, biểu tượng quốc huy Indonesia. Kiến trúc Garuda cao 170 m, cao hơn Đài Tưởng niệm quốc gia Monas (132 m) tại thủ đô Jakarta hiện nay.

Nhận định về bản thiết kế này, kiến trúc sư Yori Antar, một trong những kiến trúc sư hàng đầu của Indonesia, cho biết bản thiết kế cuối cùng của ông Nyoman đã thay đổi rất nhiều so với bản thiết kế vào tháng 4/2021 và phù hợp hơn với văn hóa Indonesia. Kiến trúc sư Yori nêu rõ một trong những điểm điều chỉnh thiết kế là ở không gian giữa tòa nhà chính và tòa Garuda đã được tách biệt so với trước đây và có các chức năng tương ứng. Theo ông Yori, Cung điện Nhà nước cần có thiết kế thoáng và thân thiện với môi trường theo đặc tính của người Indonesia vốn sống ở vùng khí hậu nhiệt đới với hai mùa là mùa khô và mùa mưa.

Hiện Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch kỷ niệm Quốc khánh ngày 17/8/2024 tại Phủ Tổng thống mới này.

Kiến trúc sư Nyoman Nuarta nổi tiếng với thiết kế Tượng Garuda Wisnu Kencana bề thế trên đảo Bali với chiều cao lên tới 122 m và mất tới 28 năm cùng hơn 100 triệu USD để hoàn thành. Ông là một trong những người giành chiến thắng tại cuộc thi thiết kế Cung điện Garuda, thành phố thủ đô mới tại Đông Kalimantan, do PUPR tổ chức trước đó. Theo thể lệ cuộc thi, các thí sinh tham gia phải tiến hành thiết kế mô hình cung điện trong vòng 12 ngày dưới hình thức một video ngắn.

Đào Trang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cong-trinh-cung-dien-nha-nuoc-indonesia-tai-thu-do-moi-dam-net-van-hoa-va-than-thien-voi-moi-truong-20220112092543045.htm