Công trình đường dây 500kV mạch 3: Nỗi lo chậm tiến độ
Dự án đường dây 500kV mạch 3: Quyết tâm về đích đúng tiến độ
(HNM) - Công trình đường dây 500kV mạch 3 đang được gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành vào giữa năm 2020. Việc hoàn thành tuyến đường dây này có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao năng lực truyền tải hệ thống 500kV Bắc - Nam. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, thời tiết vào mùa mưa, địa hình thi công khó... đang ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Công trình đường dây 500kV mạch 3 đang được gấp rút thi công, phấn đấu hoàn thành vào giữa năm 2020.
Được khởi công từ tháng 12-2018, dự án đường dây 500kV mạch 3 có tổng chiều dài hơn 700km, đi qua 9 tỉnh, thành phố là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và Kon Tum, với khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn. Dự kiến, khi hoàn thành sẽ truyền tải khoảng 5 tỷ kWh/năm, góp phần giảm căng thẳng điện ở miền Nam.
Ông Nguyễn Đức Tuyển, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia - EVNNPT) cho biết, tính đến nay nhiều hạng mục công việc liên quan đến quá trình triển khai dự án như: Đường dây 500kV mạch kép nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; đường dây 500kV mạch kép Quảng Trạch - Dốc Sỏi; đường dây 500kV mạch kép Dốc Sỏi - Pleiku 2… đã được Ban Quản lý dự án triển khai đúng kế hoạch.
Về phần đường dây, các nhà thầu đã đào xong móng 430/1.608 vị trí, đang đào 70 vị trí; hoàn thành đúc móng 303/1.608 vị trí, đang đúc 75 vị trí. Bên cạnh đó, nhiều công việc khác có liên quan đến dự án như khảo sát, đánh giá hiện trạng rừng, lập kế hoạch trồng rừng thay thế; kiểm đếm tài sản phục vụ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đang được Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp để thực hiện.
Về phía các đơn vị thi công và chính quyền địa phương cũng gấp rút triển khai công việc. Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Sông Đà 11 cho biết, công ty đã huy động 5 đội (12-15 người/đội) thi công trực tiếp, liên tục.
Còn ông Trương Hữu Mai, Chủ tịch UBND xã Đại Đồng thông tin, xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, nên việc tuyên truyền đến người dân được làm đồng bộ từ xã tới thôn. Bởi vậy, sau khi nhận được thông tin về dự án, đa số người dân nằm trong vùng ảnh hưởng đã có nhận thức tốt, tạo điều kiện bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Tuyển, mặc dù nhiều hạng mục đã được thực hiện đúng hẹn, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo.
"Khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng, vì mức hỗ trợ đất trồng cây lâu năm ở nhiều địa phương chưa phù hợp với thực tế; thủ tục lập, phê duyệt đơn giá đất mất nhiều thời gian trong khi đó chính sách từng địa phương lại có những điểm khác dẫn tới sự so sánh ở các vùng giáp ranh khi phương án đền bù được công bố. Bên cạnh đó, vẫn có một số nguyên nhân khác làm ảnh hưởng đến dự án như thời tiết khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã bắt đầu mưa vào buổi chiều và xuất hiện dông lốc cục bộ một số khu vực; công tác đền bù phục vụ thi công của nhà thầu tiến hành chậm, không kịp so với việc tổ chức vận động bàn giao mặt bằng. Những vị trí móng cột nằm gần triền núi rất khó khăn khi thi công vào mùa mưa nếu không sớm giải phóng được mặt bằng” - ông Nguyễn Đức Tuyển nhấn mạnh.
Tại buổi họp Ban Chỉ đạo của EVNNPT vào trung tuần tháng 6-2019, ông Nguyễn Tuấn Tùng, Tổng Giám đốc EVNNPT đã nhấn mạnh, dự án là công trình trọng điểm được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã chỉ đạo dự án phải hoàn thành trong tháng 3-2020, với những mốc tiến độ cụ thể.
Vì vậy, các đơn vị liên quan cần tập trung nguồn lực để bảo đảm chất lượng, tiến độ dự án. Các đơn vị thi công, tư vấn giám sát phải huy động đủ nguồn lực để tranh thủ thời gian, khẩn trương thi công khi điều kiện thời tiết thuận lợi, trước mắt tập trung hoàn thành việc đúc móng trước mùa mưa năm nay.
Trong quá trình thực hiện, Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cần phối hợp chặt chẽ với các ban chuyên môn của EVNNPT tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương các cấp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cùng các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý các vướng mắc, phát sinh, bảo đảm tiến độ dự án theo yêu cầu.
Đặc biệt, các nhà thầu, tư vấn cần tận dụng tối đa phương tiện, nhân lực để rút ngắn thời gian thi công, quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần xử lý thì phải kịp thời phối hợp với Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung để xử lý...