Công trình không phép trêu ngươi ở Biên Hòa
Tình trạng xây dựng không phép tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai có thể nói là đã lên đến đỉnh điểm khi có cả những công trình ngàn tỉ mọc lên không cần phép
Đến giữa tháng 11, sau nhiều cuộc họp chỉ đạo, tham vấn pháp luật, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa có cách gì xử lý những cụm công nghiệp, trung tâm thương mại… xây dựng trái phép trên địa bàn. Trong khi đó, dư luận bức xúc cho rằng những công trình không phép "khủng" còn rất nhiều nhưng chưa bị "sờ gáy".
Vi phạm trước mắt chính quyền
Đến Cù Lao Phố (cù lao Hiệp Hòa - nay là phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) những ngày đầu tháng 11, từ phía cầu Bửu Hòa rẽ phải xuống dọc sông Đồng Nai, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những khu biệt thự, nghỉ dưỡng đồ sộ, có khu hàng chục ngàn m2 với tường cao, các hạng mục nhà nghỉ dưỡng, hồ bơi, đường nội bộ… Những công trình này đều được xác định xây dựng trái phép. Đi sâu vào trong, nhiều khu vực khác người ta cho xây những căn biệt thự hoành tráng, trụ sở công ty… trên đất lúa. Có thể thấy, ngay bên cạnh những ruộng hoa, ruộng lúa, đìa cá, còn rất nguyên sơ, đã mọc lên những tường cao, hào sâu của những biệt phủ kín cổng cao tường, mà người dân rất khó để nhìn rõ quy mô xây dựng ở bên trong.
Vụ việc xây dựng trái phép điển hình nhất ở Cù Lao Phố có thể kể đến là nhà hàng Lam Viên, mặt tiền đường Đặng Văn Trơn. Khu đất làm nhà hàng này có diện tích hơn 1.300 m2. Trước đây, chủ nhà hàng có đơn xin phép cho đổ đất nâng nền, cải tạo mặt bằng để chống ngập và trồng một số loại cây tạo bóng mát. Địa phương đã đồng ý cho làm nhà tạm bằng vật liệu nhẹ, trồng cây với tổng diện tích không quá 120 m2. Thế nhưng sau đó, nơi này lại biến thành nhà hàng bề thế. Phòng Quản lý đô thị TP Biên Hòa sau đó xác định chủ đất đã thi công nhiều hạng mục công trình trên diện tích đất quy hoạch giao thông, trồng cây xanh và đất mặt nước nên đã đình chỉ, xử phạt, yêu cầu tự tháo dỡ. Thế nhưng, đến nay công trình… vẫn tồn tại.
Tương tự, khu trung tâm phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp xây dựng không phép tại phường Tân Tiến, TP Biên Hòa, với diện tích hơn 22.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 680 tỉ đồng, hiện tỉnh Đồng Nai vẫn "lần khần" chưa có quyết định xử lý. Với công trình này dư luận bức xúc nhất chính là việc tại trung tâm hội nghị đã hoàn thành, nhiều cuộc họp mặt tiệc tùng của các sở, ngành có mặt lãnh đạo tỉnh đã tổ chức ở đây mà không ai mảy may để ý tới đây là công trình không phép (!).
Đỉnh điểm của việc xây dựng không phép trước mắt chính quyền có lẽ là Cụm Công nghiệp Phước Tân (phường Phước Tân, TP Biên Hòa). Cụm Công nghiệp này rộng tới 72 ha, xây dựng trái phép trên đất quy hoạch rừng, có hơn 50 doanh nghiệp vào đầu tư nhà xưởng sản xuất, với chi phí đầu tư khoảng gần 400 tỉ đồng, được cung cấp điện, nước. Nhiều doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với số lượng lao động lên tới hàng ngàn người. Cụm công nghiệp này nằm cách không xa các trụ sở của phường, TP Biên Hòa và UBND tỉnh.
Trên bảo, dưới... ngó lơ!?
Theo quy hoạch, Cù Lao Phố sẽ là "lá phổi xanh" của TP Biên Hòa nhưng với những gì đang diễn ra thì khó tránh khỏi tình trạng "vỡ"? Trả lời câu hỏi này, ông Triệu Trung Tính, Chủ tịch UBND phường Hiệp Hòa, thừa nhận có "độ chênh" giữa các công trình xây dựng trong vài năm qua so với quy hoạch hiện tại, song cho rằng đó là do "lịch sử" để lại. Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh cho hay đã nhiều lần chỉ đạo UBND TP Biên Hòa quản lý, giám sát chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế xảy ra vẫn như "voi chui lọt lỗ kim".
Đối với dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ và căn hộ cao cấp, hiện khu A là trung tâm hội nghị tổ chức sự kiện có quy mô 4 tầng và 1 tầng hầm đã được đưa vào sử dụng, theo UBND TP Biên Hòa từ cách đây 2 năm, đã xử phạt hành chính công trình vi phạm này. UBND tỉnh Đồng Nai sau đó cũng đã có văn bản chỉ đạo việc cưỡng chế nhưng đến nay công trình vẫn đang tồn tại.
Riêng với cụm công nghiệp "chui" giữa lòng TP, do buông lỏng quản lý, giờ đây chính quyền địa phương cũng đang lúng túng không biết xử lý ra sao. Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây đã yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai làm rõ để báo cáo Chính phủ. Ông Lê Văn Dành, Bí thư Thành ủy Biên Hòa, đã thừa nhận trách nhiệm của lãnh đạo TP khi để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép tràn lan. Ngoài ra, là trách nhiệm của các sở, ngành liên quan.
Về tình hình "loạn" xây dựng trái phép tại địa bàn, thời gian qua, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, đã yêu cầu UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh việc giám sát, xử lý. Ông Cường yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai phải sớm chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các vụ việc, làm rõ trách nhiệm các tập thể, cá nhân liên quan. "Cả cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, trường học trái phép mọc lên, đừng nói là do xây dựng lén lút nên không biết. Trách nhiệm của đơn vị, cá nhân nào đều phải xử lý triệt để theo quy định" - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định.
Làm rõ nhiều vụ việc khác
Theo tài liệu chúng tôi có được, hiện các đơn vị thanh - kiểm tra đang tiếp tục làm rõ việc xây dựng hạ tầng khu dân cư, phân lô bán nền tại 2 khu đất ở phường Tân Hòa và phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa. Trong đó khu đất 2,8 ha tại đường Điều Xiển, phường Tân Hòa, được tỉnh Đồng Nai cho Công ty CP Đồng Nai thuê với mục đích sử dụng sản xuất - kinh doanh nhưng hiện nay lại trở thành dự án khu đô thị Golden Center City 4, do Công ty CP Đầu tư và Phát triển Th. L. (tỉnh Bình Dương) làm chủ đầu tư, trong khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đô thị, đồng nghĩa chưa có giấy phép xây dựng.
Nơi thứ 2 là khu đất đang được quản lý, sử dụng bởi Công ty CP Thương mại và Sản xuất
H. Đ.D thuộc địa bàn khu phố Long Điền, phường Long Bình Tân cũng đang có những hoạt động chênh về mặt pháp lý. Khu đất này gần 11.000 m2, trước đây được sử dụng vào mục đích sản xuất công nghiệp nhưng gần đây lại được xây dựng hạ tầng có dấu hiệu phân lô, bán nền.