Công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng-nơi trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ
Công trình thủy lợi ghi đậm dấu ấn, công sức của cán bộ kỹ thuật, đội ngũ công nhân chuyên nghiệp từ miền Bắc chi viện vào, kịp thời chia sẻ khó khăn gian khổ trên công trường.
Để đưa công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng mở nước đúng dự kiến, Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương đều nỗ lực hết mình. Bên cạnh sự đóng góp to lớn của nhân dân và thanh niên cả tỉnh trong phong trào toàn dân làm thủy lợi trong những năm 80, bài viết xin đề cập đến một đơn vị điển hình, đạt nhiều thành tích trong xây dựng công trình thủy lợi của tỉnh. Đó là Liên đội Thanh niên xung phong (TNXP) Hòa Thành.
Nhằm tập hợp tư liệu cho bài viết này, chúng tôi cùng các ông Lê Thành Công, Nguyễn Văn Tranh- nguyên Bí thư Huyện đoàn Hòa Thành, những người gắn bó với công trình thủy lợi Dầu Tiếng từ giai đoạn thi công đến thời kỳ quản lý khai thác và ông Nguyễn Văn Lợi- nguyên Chỉ huy trưởng Liên đội TNXP huyện Hòa Thành (nay là thị xã Hòa Thành) trong giai đoạn thi công cao điểm, hiện là Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh.
Chúng tôi đến thăm lại vị trí K4+100 kênh N4 thuộc xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu, nơi mà 41 năm trước, vào ngày 29.4.1981, ông Huỳnh Tấn Phát- Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bổ nhát cuốc đầu tiên, mở ra phong trào toàn dân Tây Ninh tham gia xây dựng hệ thống kênh thuộc công trình thủy lợi Dầu Tiếng. Rất tiếc, tại vị trí lịch sử này, từ trước đến nay chưa xây dựng bia kỷ niệm lưu lại đời sau.
Cụm công trình cống điều tiết K13 kênh Đông, kết hợp tràn bên và cống đầu kênh N8 là công trình thi công đầu tay của Liên đội TNXP Hòa Thành, với sự hướng dẫn của BCH và cán bộ kỹ thuật công trường huyện, giám sát chặt chẽ của Ban Quản lý xây dựng công trình 301 (Ban 301).
Đây là công trình xây lắp trên kênh chính, quy mô rất lớn. Có tận mắt nhìn lại công trình to lớn đã thi công và đưa vào sử dụng gần 40 năm qua mới đánh giá hết công sức của đội ngũ cán bộ, công nhân công trường thủy lợi và Liên đội TNXP Hòa Thành về tiến độ và chất lượng công trình, trong điều kiện thi công chủ yếu thủ công, chưa tích lũy nhiều kinh nghiệm.
Hơn mấy mươi năm sử dụng, công trình chưa một lần xảy ra sự cố hư hỏng làm gián đoạn hoạt động. Đến nay, công trình vẫn vận hành tốt, suốt thời gian qua, đơn vị quản lý chỉ duy tu bảo dưỡng, chưa sửa chữa lớn lần nào. Tại cầu công tác cống đầu kênh N8 vẫn còn hàng chữ đắp nổi bằng xi măng: “Liên đội TNXP huyện Hòa Thành- công trình chào mừng CMT8 và Quốc khánh 2.9.1983”.
Không phải ngẫu nhiên mà là một liên đội TNXP cấp huyện lại được Ban 301 đồng ý giao thi công nhiều hạng mục thủy lợi lớn, thời đó, được xem là khó khăn phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao. Sau công trình đầu tay này, Liên đội TNXP Hòa Thành được giao thi công hơn 10 cống đầu kênh cấp 1 trên kênh Đông và kênh Tây; các cây cầu bắc qua kênh, nhiều công trình lớn trên kênh cấp 1; xây dựng 15 căn nhà quản lý dành cho công nhân trên 2 kênh chính Đông - Tây đến nay vẫn còn sử dụng tốt.
Sau khi hoàn thành các công trình thủy lợi Dầu Tiếng, Liên đội Thanh niên xung phong Hòa Thành còn được giao thi công nhiều công trình trụ sở, như phối hợp thi công trụ sở Huyện đoàn Hòa Thành, gồm một trệt, 2 lầu, hơn 1.000m2 sàn, hoàn toàn bằng nguồn vốn tích lũy của công trường trong quá trình hợp đồng thi công xây lắp công trình trên kênh, được Huyện ủy, UBND huyện cho phép dùng làm kinh phí đầu tư xây dựng.
Đây được xem là trụ sở Huyện đoàn lớn nhất cả nước vào thời điểm trên. Quá trình thi công công trình này vinh dự đón tiếp nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, khi đó là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách phía Nam đến thăm. Hiện nay, nơi đây được dùng làm trụ sở của Mặt trận và các đoàn thể thị xã Hòa Thành, sau gần 40 năm sử dụng, công trình vẫn bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ và công năng sử dụng.
Sau đó, Liên đội TNXP Hòa Thành cùng đội ngũ thanh niên nòng cốt từng tham gia thi công các công trình kênh thủy lợi Dầu Tiếng hợp nhất, thành lập Nông trường 26.3 huyện Hòa Thành do ông Huỳnh Văn Tốt- Chỉ huy phó Liên đội được điều động sang làm Phó Giám đốc dẫn quân đi làm kinh tế tận xã Tân Hòa, huyện Tân Châu.
Sau khi liên đội hoàn thành nhiệm vụ lịch sử đã giải thể theo chủ trương chung, mỗi người chọn một nghề mưu sinh, không ít người tích lũy nhiều kinh nghiệm xây dựng, có tay nghề cao, đủ năng lực làm thầu xây dựng, tạo dựng cuôc sống khá giả, ổn định, nuôi dạy con cái nên người.
Hơn 40 năm qua, nay được dịp thăm lại những công trình thủy lợi vẫn hoạt động tốt, đứng vững trước thời gian, những người chỉ huy, cán bộ Đoàn trẻ tuổi năm xưa đều tự hào về một thời trai trẻ.
Đánh giá về phong trào thủy lợi năm xưa, ông Lê Thành Công, người gần như gắn bó cả đời với công trình thủy lợi Dầu Tiếng, cho rằng đây là kết quả sự lãnh đạo của Đảng, với sự chỉ đạo trực tiếp, liên tục của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của đảng bộ và chính quyền, đoàn thể các địa phương trong tỉnh đã khơi dậy tình yêu nước, lòng tự hào của nhân dân, bầu nhiệt huyết trong sáng của đoàn viên, thanh niên.
Công trình thủy lợi ghi đậm dấu ấn, công sức của cán bộ kỹ thuật, đội ngũ công nhân chuyên nghiệp từ miền Bắc chi viện vào, kịp thời chia sẻ khó khăn gian khổ trên công trường. Thiếu những nhân tố đó, công trình thủy lợi Dầu Tiếng sẽ khó hoàn thành đúng theo kế hoạch, tạo tiền đề để hệ thống thủy lợi tỉnh nhà hoàn thiện như hiện nay, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.