Công trình xây dựng gây bụi bẩn:Cần kiểm soát để bảo vệ môi trường

Tình trạng các công trình xây dựng không che chắn cẩn thận, các phương tiện chở vật liệu xây dựng ra vào công trường rơi vãi bùn, đất, cát còn phổ biến. Hệ lụy là tạo ra lượng lớn bụi bẩn, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân sinh sống ở khu vực xung quanh. Do đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn tình trạng này...

Chủ công trình thi công đổ đất đá, cát sỏi trên vỉa hè khu vực trước cửa nhà số 119 phố Hoàng Như Tiếp (quận Long Biên).

Chủ công trình thi công đổ đất đá, cát sỏi trên vỉa hè khu vực trước cửa nhà số 119 phố Hoàng Như Tiếp (quận Long Biên).

Che chắn sơ sài, tạm bợ

Ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới tại dự án xây dựng chợ Thượng Cát (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) cho thấy, trong quá trình thi công dù chủ đầu tư đã có biện pháp xử lý nhưng nhìn chung còn sơ sài. Bùn, đất từ những xe tải chở vật liệu xây dựng ra vào công trình không được che đậy cẩn thận nên liên tục rơi xuống mặt đường, gây mất vệ sinh và an toàn giao thông. Chị Lê Thanh, người dân phường Thượng Thanh cho biết, ô nhiễm môi trường xuất phát từ chính sự cẩu thả, vô trách nhiệm của chủ phương tiện khi không rửa thành cầu xe lúc ra vào công trình. Tình trạng này rất phổ biến và đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng để sớm ngăn chặn bụi bẩn phát tán ra môi trường.

Không chỉ tồn tại ở những dự án lớn, mà những công trình xây dựng nhỏ lẻ trong khu dân cư cũng còn nhiều bất cập. Tại công trình số 119 phố Hoàng Như Tiếp (quận Long Biên), trong quá trình sửa chữa, chủ công trình đã ngang nhiên đổ đất đá, cát sỏi ngay trên vỉa hè. Điều này không chỉ cản trở việc đi lại của người dân mà còn gây ô nhiễm không khí nơi đây. Tương tự, trên địa bàn quận Cầu Giấy, một công trình xây dựng tại ngõ 76 phố Chùa Hà gây bụi bẩn cho cả ngõ vì trong quá trình xây dựng, các công nhân làm rơi vãi đất đá khi vận chuyển.

Bên cạnh các hoạt động xây dựng, vào cuối năm, việc cải tạo, sửa chữa, lát đá vỉa hè tại các tuyến phố cũng góp phần gây ô nhiễm. Đơn cử, tại phố Lương Định Của (quận Đống Đa), nhiều ngày qua việc lát lại vỉa hè toàn tuyến phố khiến người dân sinh sống tại đây cũng như người đi đường phải hít thở bầu không khí đầy bụi. Máy móc cày xới mặt đường, vật liệu xây dựng ngổn ngang để lộ thiên trên vỉa hè nên chỉ cần một cơn gió là bụi bay mù mịt. Cách đó không xa, vỉa hè phố Đặng Văn Ngữ cũng bị đào xới để đặt cáp ngầm nên gây mất vệ sinh đường phố nghiêm trọng. Dọc tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), quá trình lát lại vỉa hè đang diễn ra với những đống nguyên vật liệu tập kết ngổn ngang, bừa bãi, vừa gây khó khăn cho người dân trong di chuyển vừa đẩy bụi vào không khí.

Cần xử lý nghiêm vi phạm

Dễ dàng nhận thấy, một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm lớn nhất từ các công trình xây dựng là do việc che chắn của các chủ công trình còn tạm bợ. Ở nhiều cổng công trình luôn tồn tại những đống cát, sỏi, chạc thải khiến bụi bẩn càng khó kiểm soát.

Để góp phần giải quyết vấn đề trên, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Hoàng Mai Bùi Thanh Nhã cho biết, đội thường xuyên kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải có bạt che chắn khi xây dựng công trình, đồng thời, tăng cường phát hiện, xử lý các phương tiện chở vật liệu kéo lê bùn, đất khi ra vào công trình.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Đăng Cường, vào cuối năm nhiều công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện nên sử dụng nhiều hơn các nguyên liệu như gạch lát nền, cát, xi măng... Do vậy, để hạn chế việc gây bụi bẩn ra đường phố, lực lượng chức năng của phường thường xuyên tuần tra nhắc nhở các chủ công trình thu dọn nguyên vật liệu sạch sẽ, không để rơi vãi ra đường.

Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, mặc dù đã có những quy định về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xây dựng nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều hạn chế do thiếu sự giám sát chặt chẽ của các lực lượng chức năng và ý thức trách nhiệm từ chủ đầu tư. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, kêu gọi chủ công trình thực hiện các quy định trong quá trình xây dựng liên quan đến môi trường, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Đối với những phương tiện và chủ công trình vi phạm, gây ô nhiễm môi trường phải kiên quyết xử lý theo các chế tài hiện hành. Có như vậy mới chấm dứt được tình trạng "nhờn" luật, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sống, bảo đảm bầu không khí trong lành cho người dân.

Kim Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/cong-trinh-xay-dung-gay-bui-ban-can-kiem-soat-de-bao-ve-moi-truong-687506.html