Công - tư cùng thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Đề án Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, do Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo, nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tại phiên họp trực tuyến cuối tuần qua của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về đề án này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đổi mới quản lý nhà nước đối với KTTN phải thúc đẩy được vai trò đi đầu về đổi mới sáng tạo (ĐMST) của KTTN, tạo niềm tin mạnh mẽ và phát triển các tập đoàn KTTN lớn ở Việt Nam”.

Thực hiện Đề án, đến năm 2030, phương thức quản lý nhà nước sẽ được đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo; từ can thiệp trực tiếp sang gián tiếp; từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu về phát triển KTTN…

Tại phiên họp trực tuyến về đề án này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ những giải pháp đột phá trong phát triển ở Việt Nam. Theo đó, trong khi vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân là đi đầu trong ĐMST, cụ thể là về các vấn đề như kinh tế số, xã hội số, chiến lược số, tiết kiệm trong đầu tư, đất đai, tài nguyên môi trường, phát triển xanh… thì phía Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi và phát huy sự năng động của KTTN; đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực này, hỗ trợ hình thành các tập đoàn KTTN lớn mạnh.

Từ năm 2017 đến nay, thực hiện phương châm ĐMST trong quản lý nhà nước, Chính phủ đã sử dụng chỉ số ĐMST toàn cầu (chỉ số GII) như một công cụ quản lý điều hành quan trọng, đồng thời đã phân công các bộ, ngành, địa phương cải thiện chỉ số này. Nhờ đó, chỉ số GII của Việt Nam những năm qua đã liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) lên vị trí 42 (năm 2019 và năm 2020). Thêm vào đó, việc vừa chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do vừa tích cực xúc tiến các hoạt động ngoại giao đa dạng đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và được WIPO ghi nhận trong báo cáo năm 2020. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2014 đến năm 2017, tỷ lệ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để phục vụ ĐMST tại các doanh nghiệp của Việt Nam những năm gần đây dù đã tăng lên, nhưng mới chỉ đạt ngưỡng 1% tổng doanh thu, trong khi mức bình quân ở các nước thuộc nhóm phát triển tại ASEAN ít nhất là 9%.

Do đó, người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt vẫn là đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát huy sự năng động của KTTN; củng cố niềm tin kinh doanh cho nhà đầu tư, khuyến khích họ cạnh tranh sòng phẳng để tồn tại và phát triển. Một khi còn có thể tìm được lợi nhuận dễ dàng nhờ chênh lệch địa tô, nhờ “vận dụng” các quan hệ thân hữu thì không mấy doanh nghiệp có động lực mạnh mẽ để ĐMST, chấp nhận rủi ro khi “dò đá qua sông” trên một con đường mới.

“Một tay không vỗ nên kêu”, chỉ khi cả Nhà nước và các doanh nghiệp trong KTTN đồng hành tích cực thì ĐMST mới phát huy hiệu quả cao nhất.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cong-tu-cung-thuc-day-doi-moi-sang-tao-714911.html