Công ty bao bì Nhật Bản dùng gỗ thải để sản xuất nhiên liệu bền vững

Công ty sản xuất bìa cứng (giấy carton) Rengo sẽ sử dụng gỗ thải trong xây dựng để chế tạo thành nguyên liệu thô cho sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ năm 2027. Nhờ phát kiến mới này, Rengo cũng mở rộng hơn các cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực tái chế chất thải.

Rengo hy vọng vào mảng kinh doanh gỗ thải loại trong xây dựng và rác thải công nghiệp. Ảnh: Nikkei Asia

Rengo hy vọng vào mảng kinh doanh gỗ thải loại trong xây dựng và rác thải công nghiệp. Ảnh: Nikkei Asia

Thị trường “nhiên liệu xanh” cho máy bay

Từ năm 2027, các hãng hàng không phải tuân theo quy chuẩn giảm thải của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế. Điều này giúp hình thành thị trường nhiên liệu mới trị giá 15 tỉ đô la, bên cạnh thị trường tín chỉ carbon khổng lồ.

Nhiên liệu sinh học cho máy bay, hay còn gọi là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), được chế tạo từ rác thải nhựa, dầu ăn đã qua sử dụng, mỡ động vật hay sinh khối như tảo hay dăm bào… Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng nhiên liệu mới dùng cho động cơ phản lực máy bay được sản xuất từ sinh khối hoặc tổng hợp từ năng lượng tái tạo có khả năng giảm lượng khí thải carbon, mặc dù với chi phí đắt hơn so với giá dầu hỏa.

Các hãng hàng không và các hãng chế tạo máy bay đang theo đuổi các quy chuẩn “nhiên liệu xanh” theo những cách khác nhau. Boeing chú trọng dùng công nghệ của tập đoàn công nghệ IHI của Nhật Bản, có thể giúp 90% thiết bị trên máy bay có thể chạy bằng điện. Ngoài các loại máy bay chạy bằng điện cỡ nhỏ, hãng Airbus cũng đổ hàng tỉ đô la để giới thiệu các dòng máy bay mới chạy bằng nhiên liệu xanh làm từ dầu ăn và mỡ động vật thải loại. Airbus cũng đang nghiên cứu loại máy bay A350 chạy 100% bằng nhiên liệu mới.

Rengo sẽ đầu tư khoảng 20 tỉ yen (133 triệu đô la) để lắp đặt thiết bị chuyển hóa ethanol thành SAF. Đây là động thái mới của Nhật Bản trong nỗ lực “xanh hóa” ngành hàng không nước này. Các nhà khoa học nói SAF thải ra lượng khí thải CO2 ít hơn 70-90% trong vòng đời của nhiên liệu – bao gồm thu thập nguyên liệu thô, tinh chế và đốt cháy – so với xăng máy bay phản lực chuẩn.

Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông và du lịch Nhật Bản dự kiến SAF được trộn với nhiên liệu hàng không thông thường và có kế hoạch tăng tỷ lệ sử dụng SAF lên chiếm 10% lượng nhiên liệu của các hãng bay nội địa vào năm 2030. Nhật Bản đang tụt hậu so với châu Âu và Mỹ trong phát triển chuỗi cung ứng cho SAF.

Hiện ethanol có nguồn gốc từ bắp và các loại thực vật khác được xem là nguyên liệu thô đầy hứa hẹn. Nhưng sử dụng loại ethanol này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực tại Nhật Bản, vốn phụ thuộc vào nông sản nhập khẩu. Dầu thực vật thải ra từ các bếp ăn là một nguyên liệu phổ biến khác. Nhưng việc thu gom dầu ăn thải từ các bếp bị hạn chế vì khó thiết lập mạng lưới thu gom dầu thải từ nhà hàng, bếp ăn.

Hãng bao bì mở rộng mảng kinh doanh chất thải

Rengo sẽ điều hành hoạt động kinh doanh mới thông qua công ty con Taiko Paper Mfg chuyên sản xuất bao bì giấy đóng gói và xử lý chất thải công nghiệp. Rengo và Taiko Paper sẽ lắp đặt các cơ sở đường hóa, lên men và chưng cất cần thiết để sản xuất ethanol tại nhà máy chính của Taiko Paper. Họ sẽ sản xuất 20.000 mét khối mỗi năm ethanol có nguồn gốc từ chất thải xây dựng từ năm 2027 và bán cho các nhà bán buôn dầu và các công ty sản xuất SAF khác.

Lĩnh vực kinh doanh gỗ vụn và chất thải của Rengo giờ đây có cơ hội mở rộng hơn trước. Chi phí sản xuất ethanol từ chất thải xây dựng dự kiến sẽ cao hơn ethanol có nguồn gốc từ thực vật. Nhưng nếu sản lượng tăng trong tương lai, Rengo sẽ có được thế mạnh cạnh tranh mới.

Khối lượng sản xuất của Rengo sẽ tương đương khoảng 1% nhu cầu SAF nội địa tính đến năm 2030. Các công ty giấy như Oji Holdings và Nippon Paper Industries đang tiến tới kế hoạch sản xuất ethanol sinh học có nguồn gốc từ gỗ làm nguyên liệu sản xuất SAF. Những sáng kiến như của Rengo nhằm sản xuất ethanol sinh học có nguồn gốc từ gỗ thải loại trong xây dựng là chuyện hiếm. Nguồn tài nguyên sẽ được sử dụng hiệu quả hơn, nguồn nguyên liệu SAF được đa dạng hóa một khi có thể sản xuất SAF từ chất thải xây dựng.

EU đã thông qua quy định SAF phải chiếm 85% tổng lượng nhiên liệu hàng không tại các sân bay trong khối vào năm 2050. Mỹ và châu Âu đang dẫn đầu làn sóng thương mại hóa SAF. Hãng Neste của Phần Lan đang mở rộng nhà máy sản xuất SAF quy mô lớn tại Singapore. Sự hiện diện của nhà máy SAF này đã hình thành ngành kinh doanh thu gom và xuất khẩu dầu ăn thải ra từ các bếp, nhà hàng ở Trung Quốc sang Singapore. Hiện các nước sản xuất dầu chính như Mỹ và châu Âu đang xem xét các kế hoạch sản xuất SAF.

Mạng lưới mua sắm SAF ổn định được xem là góc độ an ninh kinh tế mới, bởi máy bay không sử dụng lượng SAF theo quy định không thể bay đến và cất cánh từ các sân bay châu Âu trong tương lai.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cong-ty-bao-bi-nhat-ban-dung-go-thai-de-san-xuat-nhien-lieu-ben-vung/