Công ty bất động sản được Khánh Phương rót vốn lỗ đậm
Trong năm 2022 ghi nhận nhiều biến động ở cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo, Công ty CP Sông Đà 1.01 (SJC) đã báo lỗ ròng 5,3 tỷ đồng, mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp này.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty CP Sông Đà 1.01 (SJC), trong quý cuối năm vừa qua, nhà phát triển bất động sản này chỉ ghi nhận hơn 1,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng không đáng kể so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh thu thấp trong khi các chi phí phát sinh như lãi vay, chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh khiến Sông Đà 1.01 báo lỗ ròng gần 5,2 tỷ đồng trong quý. Đây là mức lỗ nặng nhất mà doanh nghiệp từng ghi nhận trong một quý kinh doanh trong hơn một thập niên gần nhất.
Tính chung cả năm 2022, doanh nghiệp địa ốc này cũng chỉ đạt doanh thu thuần gần 6,8 tỷ đồng, giảm tới 80% so với mức 45,5 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.
Sông Đà 1.01 cho biết nguyên nhân dẫn đến đà giảm mạnh doanh thu này do trong năm vừa qua công ty không ghi nhận doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản, chỉ ghi nhận doanh thu từ dịch vụ vận hành nhà chung cư và cho thuê một số tài sản.
Tương tự tình hình kinh doanh quý IV, dù doanh thu cả năm 2022 giảm mạnh nhưng chi phí phát sinh trong năm của Sông Đà 1.01 lại tăng đột biến, bao gồm chi phí lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Trong đó, phần lớn chi phí này đều ghi nhận trong quý IV.
Sau khi trừ phần chi phí này, Sông Đà 1.01 báo lỗ ròng gần 5,3 tỷ đồng cả năm, cũng là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp, trong khi năm 2021, công ty vẫn lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng.
Theo giải trình của công ty, đơn vị đã hạch toán ghi nhận toàn bộ tiền lãi chậm trả trên nợ gốc phải trả của quỹ kinh phí bảo trì dự án nhà chung cư cao tầng Hemisco (Hà Đông, Hà Nội). Số lãi phải trả cho Ban quản trị tòa nhà Hemisco làm tăng chi phí tài chính và làm lợi nhuận của đơn vị giảm.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Sông Đà 1.01 vào khoảng 1.643 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Phần lớn số này đến từ hàng tồn kho với giá trị 1.410 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, nợ phải trả của doanh nghiệp này cũng là 1.549 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay không thay đổi so với đầu năm là 528 tỷ đồng.
Năm 2022 là năm biến động lớn đối với Sông Đà 1.01 về cả cơ cấu cổ đông và ban lãnh đạo doanh nghiệp. Tại Đại hội cổ đông bất thường cuối năm 2022, cổ đông Sông Đà 1.01 đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, nâng tổng số thành viên trong Ban quản trị doanh nghiệp từ 3 người lên 5 người.
Trong đó, HĐQT mới của Sông Đà 1.01 gồm bà Vũ Thị Thúy; ông Phạm Khánh Phương; ông Trịnh Văn Tôn; ông Nguyễn Văn Đức và ông Tạ Văn Trung. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự góp mặt của ca sĩ Khánh Phương nổi tiếng với bản hit “Chiếc khăn gió ấm”.
Được biết, ca sĩ Khánh Phương trở thành cổ đông lớn tại Sông Đà 1.01 sau giao dịch mua tới 45,5% vốn doanh nghiệp địa ốc này. Sau nhiều lần mua - bán khớp lệnh, hiện vị này vẫn còn nắm giữ gần 1,7 triệu cổ phiếu SJC, tương đương 24,26% vốn doanh nghiệp và vẫn là cổ đông lớn nhất tại Sông Đà 1.01.
Hiện thị giá cổ phiếu SJC đang giao dịch ở vùng 11.100 đồng/đơn vị, lượng cổ phiếu ca sĩ Khánh Phương sở hữu có giá thị trường gần 20 tỷ đồng.
Sông Đà 1.01 được thành lập vào năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, kinh doanh bất động sản. Các dự án do công ty từng tham gia xây dựng và đầu tư có thể kể đến như Chung cư cao cấp Vinafor, Eco Green Tower, Hemisco Xa La, Tòa nhà CT1 Văn Khê.
Đây là một trong các công ty đã thực hiện niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX từ sớm vào giai đoạn 2007. Tuy nhiên, do kinh doanh bết bát và vi phạm công bố thông tin nên cổ phiếu SJC bị đẩy xuống giao dịch tại UPCoM.
Đáng chú ý, từ khi giao dịch trên UPCoM vào ngày 2/7/2021 với thị giá 1.400 đồng/đơn vị, cổ phiếu SJC đã tăng dựng đứng lên vùng 18.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2022 khi có sự xuất hiện nhóm cổ đông lớn kể trên, tương đương mức tăng ròng gần 13 lần. Dù đã giảm về vùng 11.100 đồng hiện tại, thị giá SJC vẫn cao hơn 8 lần so với phiên giao dịch đầu tiên trên UPCoM năm 2021.