Công ty bầu Thụy lấy đâu 840 tỷ đồng để trả Tân Hoàng Minh?
Dù có tổng tài sản gần 11.000 tỷ đồng, tuy nhiên, phần lớn tài sản của Thaiholdings nằm ở các khoản phải thu, trả trước... trong khi lượng tiền mặt hiện tại chỉ còn gần 60 tỷ đồng.
Công ty CP Thaiholdings (THD) mới đây đã phải điều chỉnh lại số lãi sau thuế ghi nhận được trong năm 2021 từ 1.156 tỷ xuống 424 tỷ đồng do công ty con - Tập đoàn Thaigroup - phải hoàn trả 840 tỷ đồng cho Tập đoàn Tân Hoàng Minh theo yêu cầu của Cục cảnh sát điều tra tội phạm và tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Bộ Công an (C03).
Giao dịch hoàn trả lại tiền này được đưa ra sau khi cơ quan điều tra xác định số tiền Tập đoàn Tân Hoàng Minh dùng để mua lại cổ phần Công ty CP Bình Minh Group (chủ sở hữu dự án 11A Cát Linh) của Thaigroup có nguồn gốc từ các khoản phát hành trái phiếu.
Chỉ còn gần 60 tỷ đồng tiền mặt
Với việc là công ty mẹ sở hữu trực tiếp, giao dịch hoàn trả 840 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh của Thaigroup cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình tài chính của Thaiholdings.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 3 năm nay, báo cáo tài chính của Thaiholdings cho biết doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 66 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó, lượng tiền mặt sẵn sàng để chi trả chỉ là gần 60 tỷ và khoảng 6,1 tỷ đồng là tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 12 tháng tại BIDV - Chi nhánh Ninh Bình với lãi suất 5,5%/năm. Khoản tiền gửi này cũng đang được công ty cầm cố để đảm bảo cho các khoản vay.
Nguyên nhân khiến Thaiholdings dù lãi ròng hàng nghìn tỷ mỗi năm nhưng số dư tiền đến cuối quý I/2022 chỉ còn gần 60 tỷ đồng là do dòng tiền lưu chuyển trong công ty thường xuyên ở mức âm.
Năm 2021, dù báo lãi ròng 1.156 tỷ (trước điều chỉnh), lưu chuyển tiền thuần của Thaiholdings lại thấp hơn nhiều con số này.
Cụ thể, do ghi nhận khoản lỗ lớn từ hoạt động đầu tư (-1.571 tỷ), cùng việc giảm các khoản phải thu (-889 tỷ) và chi trả tiền lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp (-655 tỷ)… dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Thaiholdings đã âm 973 tỷ đồng trong năm vừa qua.
Tương tự, dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động đầu tư cùng năm của công ty này cũng báo mức âm 856 tỷ đồng.
Để bù đắp lượng lớn dòng tiền rút khỏi công ty kể trên, Thaiholdings phải nhờ tới dòng tiền hơn 2.000 tỷ đồng từ hoạt động tài chính, mà chủ yếu là tiền thu từ đợt phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu.
Với dòng tiền kể trên, doanh nghiệp của bầu Thụy chỉ ghi nhận 242 tỷ đồng cộng thêm vào số dư tiền trong năm 2021, nâng tổng số dư tiền đến cuối năm lên 272 tỷ đồng.
Đến quý I/2022, kết quả kinh doanh sụt giảm cùng việc tăng trả nợ gốc đã khiến số dư tiền của Thaiholdings giảm mạnh.
Cụ thể, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.450 tỷ đồng trong quý I vừa qua, tăng 34% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm gần 57%, đạt 159 tỷ.
Từ đó, dòng tiền lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh của Thaiholdings đạt mức 177 tỷ đồng trong kỳ. Tuy nhiên, dòng tiền từ hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính trong quý của doanh nghiệp này lại âm tới 388 tỷ đồng.
Kết quả là số dư tiền của Thaiholdings đã giảm gần 212 tỷ đồng trong quý đầu năm, hiện còn chưa tới 60 tỷ đồng như trên báo cáo tài chính.
Tài sản của Thaiholdings có những gì?
Trên báo cáo tài chính quý mới nhất, dù có vốn điều lệ 3.500 tỷ và tổng tài sản gần 11.000 tỷ đồng, nhưng phần lớn tài sản của Thaiholdings lại nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn (2.634 tỷ); chi phí trả trước dài hạn (3.331 tỷ); lợi thế thương mại (1.905 tỷ); đầu tư tài chính dài hạn (832 tỷ)… những tài sản không thể tạo ra dòng tiền ngay.
Cụ thể, với khoản phải thu giá trị trên 2.600 tỷ, đây chủ yếu là các khoản phải thu phát sinh với nhóm doanh nghiệp có liên quan hoặc nằm trong hệ sinh thái của ông Nguyễn Đức Thụy (tức bầu Thụy).
Trong đó, một số khoản phải thu có số dư lớn phát sinh với Công ty CP Xây dựng và Sản xuất Vũng Áng (506 tỷ); Công ty CP Tư vấn Xây dựng Dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình (430 tỷ); Công ty TNHH Mỹ Anh Hà Nam (256 tỷ); Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Tràng An (163 tỷ); Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Ninh Khánh (148 tỷ)…
Ở mục tài sản dài hạn khác với giá trị hơn 5.200 tỷ, chiếm trên 50% tổng tài sản công ty, Thaiholdings cho biết các khoản chi phí trả trước dài hạn đã chiếm hơn 3.330 tỷ đồng.
Trong đó, đa số chi phí trả trước này là tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất số 210 Trần Quang Khải, Hà Nội (Tòa nhà Thaiholdings Tower) và lợi thế kinh doanh quyền thuê đất của Công ty CP Du lịch Kim Liên (Khách sạn Kim Liên).
Tuy nhiên, công ty cho biết quyền sử dụng lô đất 210 Trần Quang Khải cũng đang được thế chấp cho các khoản vay tại ngân hàng.
Ngoài các tài sản kể trên, báo cáo tài chính của Thaiholdings còn ghi nhận gần 1.905 tỷ đồng lợi thế thương mại từ việc hợp nhất hoạt động kinh doanh tại các công ty con.
Các khoản mục tài sản kể trên đều là nhóm tài sản không thể thu hồi trong ngắn hạn để tạo dòng tiền.
Vì vậy, nếu không thanh lý một số khoản đầu tư hoặc huy động vốn vay, Thaiholdings khó có thể thu xếp 840 tỷ đồng để hoàn trả lại Tập đoàn Tân Hoàng Minh theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra.