Công ty chứng khoán khởi động 'làn sóng' tăng vốn năm 2022
Một số công ty chứng khoán công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ từ đầu năm 2022 để bổ sung nguồn tiền cho hoạt động ký quỹ (margin) trong bối cảnh nhiều lần xảy ra tình trạng 'kín room', không thể tiếp tục cho vay.
Ngẫm chuyện thị trường chứng khoán Việt Nam đi xa, vươn cao
Công ty cổ phần chứng khoán DNSE vừa thông báo việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với trường hợp công ty chứng khoán không phải là công ty đại chúng của doanh nghiệp.
Theo đó, DNSE được thực hiện chào bán 200 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ phát hành 1:2 – cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có 1 quyền mua, 1 quyền được mua 2 cổ phiếu phát hành thêm – để thực hiện tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng theo phương án đã được phê duyệt.
Mục đích chào bán nhằm bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh, cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận nhiều nhà đầu tư mới trong năm 2021 với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt hơn 1,53 triệu, cao hơn 4 lần so với năm 2020 và lớn hơn số lũy kế 5 năm liền trước. Ảnh minh họa: M.P
Tương tự, Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) thông báo sẽ phát hành 325,3 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 1:1 – cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được mua thêm 1 cổ phiếu mới – nhằm nâng vốn điều lệ lên mức 6.505 tỉ đồng, theo phương án được các cổ đông thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022 mới đây.
Số vốn tăng thêm về từ đợt phát hành, theo Hội đồng quản trị (HĐQT) SHS, được sử dụng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động vay ký quỹ chứng khoán (margin – PV) và bổ sung hoạt động đầu tư kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá.
Ông Vũ Đức Tiến – Tổng giám đốc SHS – cho biết doanh nghiệp dự kiến tăng giá trị vay margin gấp 2 lần năm 2021 và hướng tới mục tiêu doanh số môi giới khoảng 1.100-1.200 tỉ đồng trong năm 2022. Đồng thời, lọt vào nhóm 6-7 doanh nghiệp dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn HOSE.
Bên cạnh DNSE và SHS, các cổ đông của Công ty cổ phần chứng khoán VNDirect và Công ty cổ phần chứng khoán SSI đã lần lượt thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ lần lượt lên hơn 15.000 tỉ đồng và hơn 12.000 tỉ đồng trong năm 2022 tại các cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường mới cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Với VNDirect, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT – cho biết việc tăng vốn sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường chứng khoán. Đồng thời, phát triển ba mảng kinh doanh cốt lõi, gồm: dịch vụ chứng khoán, kinh doanh thị trường vốn cung cấp giải pháp tài chính trung gian, bảo lãnh phát hành.
Với SSI, đại diện doanh nghiệp cho biết việc tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn kinh doanh, nâng cao năng lực bảo lãnh phát hành, năng lực đầu tư và năng lực cho vay giao dịch ký quỹ. Trong thời gian chưa sử dụng cho vay giao dịch ký quỹ, nguồn tiền sẽ được sử dụng để đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi với mục tiêu bảo đảm sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
Động thái tăng vốn của các công ty chứng khoán diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam liên tục tăng trưởng trong 2 năm qua với quy mô thị trường cổ phiếu đạt 122,2% GDP năm 2020 tính tới 12-11-2021.
Chỉ số VnIndex kết thúc phiên giao dịch cuối năm 2021 ở mức 1.498,28 điểm – cao hơn 35,7% so với thời điểm cuối năm 2020, theo lãnh đạo UBCKNN.
Điều này đã thu hút nhiều nhà đầu tham gia thị trường với số lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt hơn 1,53 triệu trong năm 2021 – cao hơn 4 lần so với năm 2020 và lớn hơn số lũy kế 5 năm liền trước, trong đó không ít nhà đầu tư đã tăng cường sử dụng margin khiến một số một số thể cho vay do “kín room”, theo đại diện một số công ty chứng khoán.
Bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT VNDirect – cho biết quy mô vốn chủ hữu và tổng tài sản hiện tại của doanh nghiệp đã chạm ngưỡng dùng để cho vay margin.
“Số vốn của công ty rất lớn nhưng chưa đáp ứng được tiềm năng. Còn số vốn ở đợt tăng vốn lần trước đã được sử dụng hết chỉ sau 2 tháng và hiện đã chạm trần các tỷ lệ cho phép của UBCKNN”, bà Hương thông tin tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2021.
Tương tự VNDirect, một số công ty chứng khoán đã tiệm cận trạng thái “kín room” – tỉ lệ dư nợ cao hơn gần 200% so với vốn chủ sở hữu – tính tới cuối năm 2021, gồm: Công ty cổ phần chứng khoán Phú Hưng với 196%; Công ty cổ phần chứng khoán TPHCM với 187%; Công ty cổ phần chứng khoán MB với 180%.
“Kín room”, theo nội dung Điều 9, Quyết định số 87 hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, là quy định tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu của công ty đó.
Còn ông Vũ Đức Tiến cho biết khối công ty chứng khoán hiện đối mặt với áp lực do quy mô thị trường và số lượng nhà đầu tư tăng nhanh, trong khi nhiều công ty chưa sẵn sàng cho việc này.
“Vốn điều lệ của đa số công ty còn nhỏ so với nhu cầu tài chính, nên tăng vốn là cần thiết để tạo ra công ty chứng khoán có năng lực tài chính mạnh và ổn định”, ông Tiến nhận định.
Vân Phong