Công ty chứng khoán liên quan ông Nguyễn Đỗ Lăng lãi đậm

Dù doanh thu hoạt động sụt giảm 34% so với cùng kỳ, Chứng khoán Apec vẫn báo lãi ròng tăng 69% lên 27 tỷ đồng nhờ sự đóng góp của mảng tự doanh.

Theo báo cáo tài chính quý II, CTCP Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: APS), hay còn gọi là Chứng khoán Apec, ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 155 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 2 mảng kinh doanh chính của công ty là tự doanh và môi giới đều đi lùi.

Điển hình ở mảng tự doanh, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ của Chứng khoán Apec đạt 148 tỷ đồng, giảm 34%. Doanh thu từ mảng nghiệp vụ môi giới cũng giảm 37% so với cùng kỳ xuống chỉ đạt gần 2 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi từ nghiệp vụ cho vay lại tăng 23%.

Nhờ tiết giảm chi phí hoạt động 44%, nhà môi giới chứng khoán nằm trong hệ sinh thái Apec Group của ông Nguyễn Đỗ Lăng vẫn báo lãi ròng 27 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận hàng quý cao nhất trong hơn một năm qua.

Lý giải kết quả này, ban lãnh đạo công ty cho biết biến động tích cực của thị trường đã giúp các tài sản nắm giữ bị đánh giá giảm giá trị cuối kỳ quý II/2023 nay khởi sắc và được đánh giá lại với giá trị cao hơn.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của Chứng khoán Apec giảm 50% xuống 179 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại đạt 35 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 137 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, công ty chứng khoán này lên kế hoạch doanh thu hoạt động hơn 123 tỷ đồng và lãi sau thuế 49 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, Chứng khoán Apec đã vượt kế hoạch doanh thu 26% và hoàn thành 55% chỉ tiêu lợi nhuận.

Bên cạnh Chứng khoán Apec, nhiều công ty chứng khoán khác cũng đã công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý II.

Theo đó, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), nhà môi giới lớn thứ 3 trên HoSE, cho biết tổng doanh thu quý II năm nay của công ty đã đạt 1.735 tỷ đồng, tăng tới 166% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế theo đó cũng tăng 192%, đạt 1.612 tỷ đồng.

TCBS cho biết kết quả kinh doanh tăng vọt trong quý vừa qua chủ yếu đến từ mảng cho vay margin và tư vấn phát hành, phân phối trái phiếu.

Theo đó, dù là nhà môi giới chiếm thị phần số 3 trên HoSE, mảng môi giới và lưu ký chứng khoán chỉ mang về cho công ty này 46 tỷ đồng quý vừa qua, giảm 19% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dư nợ cho vay margin tăng mạnh đã mang về cho công ty hơn 629 tỷ đồng thu nhập thuần, tăng 61% và chiếm gần 1/3 tổng doanh thu hoạt động trong quý.

Tương tự, mảng ngân hàng đầu tư cũng ghi nhận doanh thu thuần tăng 140%, mang về 538 tỷ đồng.

Nguồn thu lớn nhất trong quý vừa qua của TCBS là kinh doanh nguồn vốn và phân phối trái phiếu với 868 tỷ đồng, tăng 268%.

Lũy kế 6 tháng, công ty chứng khoán thành viên của Techcombank đã thu về 2.772 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành 75% kế hoạch cả năm (3.700 tỷ đồng).

Cũng trong quý II, CTCP Chứng khoán KAFI ghi nhận doanh thu hoạt động tăng 88% so với cùng kỳ lên 210 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu môi giới tăng gấp 7 lần. Mảng tự doanh cũng tăng gần 43% mang về hơn 130 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 49 tỷ đồng, tăng 123%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Chứng khoán KAFI lãi sau thuế 75 tỷ đồng, tăng 123% so với cùng kỳ năm 2023. Tại thời điểm 30/6, dư nợ cho vay margin của KAFI vượt 3.900 tỷ đồng, tăng gần 2.600 tỷ đồng chỉ trong 1 quý.

Tương tự, CTCP Chứng khoán KIS cũng thông báo doanh thu hoạt động quý II tăng 69% lên 653 tỷ đồng, chủ yếu nhờ sợ bứt phá của mảng tự doanh và môi giới. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của công ty lại đi lùi 3% xuống gần 102 tỷ đồng do bị khoản lỗ của mảng tự doanh ăn mòn.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/cong-ty-chung-khoan-lien-quan-ong-nguyen-do-lang-lai-dam-post1486892.html