Công ty chứng khoán thắng lớn năm 2020
Hàng loạt công ty đã công bố lợi nhuận cả năm 2020 tăng trưởng mạnh mẽ, vượt kế hoạch đề ra thậm chí xác lập kỷ lục mới.
Nhà đầu tư đổ xô mở tài khoản chứng khoán những tháng cuối năm 2020
Nước lên thuyền lên
Trái ngược với sự ảm đạm của quý đầu năm 2020 khi làn sóng bán tháo ồ ạt kéo thị trường chứng khoán giảm sâu, bức tranh kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán cũng ghi nhận một cú hồi ngoạn mục cùng xu hướng phục hồi và sôi động trên sàn.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã có quý kinh doanh cuối năm lãi kỷ lục (130 tỷ đồng), đóng góp chính vào mức lợi nhuận 192,7 tỷ đồng cả năm 2020. Kết quả trên cao gấp 4,5 lần lợi nhuận năm 2019, gấp gần 4,3 lần so với kế hoạch đề ra hồi đầu năm và cao nhất trong các năm hoạt động của công ty chứng khoán này.
Thống kê trên 15 công ty chứng khoán đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý IV, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.966 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm cũng tăng 67%. Trong đó, Chứng khoán SSI, công ty đứng đầu về quy mô vốn điều lệ đồng thời cũng đang nắm giữ thị phần môi giới số 1 trên sàn HoSE, báo lãi cao gấp rưỡi cùng kỳ với 1.566 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Lợi nhuận trước thuế của khối các công ty chứng khoán tăng trưởng mạnh trong năm 2020 - Nguồn: Vietstock Finance
Dù còn 4/15 công ty tăng trưởng lợi nhuận âm và thua lỗ, nhưng với bối cảnh thuận lợi như nửa cuối của năm 2020, đây cũng chỉ là phần thiểu số trong toàn cảnh bức tranh kinh doanh của các công ty ngành chứng khoán.
Môi trường lãi suất thấp cùng với sự phục hồi của kinh tế trên diện rộng trong nửa sau của năm là động lực chính kéo dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán. Hàng loạt kỷ lục đã được thiết lập, từ thanh khoản lên tới 14.800 tỷ đồng giá trị giao dịch bình quân phiên đến 63.629 tài khoản mở mới chỉ riêng trong tháng 12/2020. Hai công ty đầu về thị phần trên sàn HoSE là Chứng khoán SSI và HSC ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu môi giới lần lượt 37% và gần 29%.
Không riêng mảng này, hoạt động tự doanh tiếp tục giúp nhiều công ty chứng khoán ghi nhận khoản “hời” lớn, đặc biệt nhờ các giao dịch mua bán chứng khoán hoặc định giá lại tài sản tài chính. Xu hướng tăng của thị trường chứng khoán đã giúp thu nhập tự doanh trong 9 tháng đầu năm tại các công ty chứng khoán tăng 62,3% so với cùng kỳ và bù đắp được các khoản lỗ khi thị trường rơi sâu hồi quý I đầu năm.
Như trường hợp của VDSC, công ty này đã chốt lời 28,8 triệu chứng khoán (gồm cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết và trái phiếu) thu về chênh lệch gần 46 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 11,65 tỷ đồng. Việc chênh lệch đánh giá lại tài sản tài chính FVTPL cũng giúp VDSC ghi nhận khoản lãi 85,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng có những công ty chứng khoán “chọn sai” chứng khoán đầu tư. Chứng khoán Smart Invest lỗ tới gần 38 tỷ đồng trong quý IV do bán lỗ gần 211 tỷ đồng trái phiếu, kéo lợi nhuận cả năm giảm 82% về còn gần 3,3 tỷ đồng.
Cùng đó, sự khởi sắc của hoạt động phát hành chứng khoán, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, trong năm 2020 cũng giúp nhiều công ty chứng khoán cũng thu lợi nhuận từ hoạt động đại lý phát hành, tư vấn tài chính. VDSC thu về 13,2 tỷ đồng từ hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán. TCBS hiện chưa công bố báo cáo quý IV nhưng tính đến 9 tháng đầu năm, nguồn thu từ hoạt động phát hành và phân phối trái phiếu đã lên tới 1.300 tỷ đồng.
Tích cực tìm nguồn vốn rẻ mở rộng hoạt động
Miếng bánh doanh thu môi giới “phình to” trong năm 2020 nhưng đồng thời cũng có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty chứng khoán. Nhóm 10 công ty chứng khoán đạt thị phần lớn nhất trên sàn HoSE dành được tổng cộng 64,5% thị phần, nhiều hơn gần 2% so với thời điểm một năm trước. Cùng đó, dù hai vị trí đầu về thị phần vẫn không đổi chủ nhưng tỷ lệ phần trăm thị trường do SSI và HSC nắm giữ đều giảm mạnh. Các thứ hạng phía sau cũng ghi nhận thay đổi đáng kể. Tăng trưởng doanh thu môi giới của BSC đạt tới 68%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng của hai công ty chứng khoán này.
Một chuyên gia trong ngành cho biết thị phần môi giới chứng khoán chuyển dịch nhiều hơn sang các công ty tập trung vào mảng môi giới bán lẻ như VPS, Vndirect, MBS, BSC, Mirae Asset... Các sản phẩm cung cấp ra thị trường mức phí hấp dẫn và lãi suất cho vay ký quỹ (margin) thấp, đồng thời, có nhiều hơn sản phẩm chứng khoán có thu nhập cố định. Mặt bằng lãi suất giảm cùng áp lực cạnh tranh về giá cũng khiến các công ty chứng khoán phải thay đổi chiến lược với khá nhiều chương trình ưu đãi lãi suất được tung ra.
Theo số liệu công bố của Chứng khoán SSI, quy mô các khoản vay ký quỹ (margin) và ứng trước tiền bán ở thời điểm cuối năm 2020 đã tăng vọt trong quý cuối năm từ mức 4.711 tỷ đồng lên hơn 9.200 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ các khoản cho vay và phải thu trong quý IV thậm chí còn giảm nhẹ. Lãi từ margin và ứng trước tiền bán của SSI cả năm 2020 chỉ đạt 525 tỷ đồng, giảm hơn 22% so với cùng kỳ.
Cũng trong quý IV, SSI bất ngờ mạnh tay vay thêm 7.800 tỷ đồng từ ngân hàng, nâng giá trị vay nợ ngắn hạn lên 23.351 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Hồi giữa tháng 12/2020, công ty cứng khoán này đã công bố hợp đồng vay hợp vốn tín chấp 85 triệu USD (gần 2.000 tỷ đồng) với các ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Ngân hàng Union Bank of Taiwan.
Không riêng SSI tìm kiếm bổ sung nguồn vốn. Năm qua, nhiều công ty chứng khoán đã huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính gồm cả vốn vay hay huy động thêm từ các cổ đông như Chứng khoán Tiên Phong (TPS) phát hành thêm cổ phiếu mới nâng vốn điều lệ từ 400 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Gần đây nhất, Chứng khoán Pinetree vừa hoàn tất huy động thêm 400 tỷ đồng từ cổ đông mẹ Hanwha Investment & Securities Co., Ltd với giá phát hành cao gấp đôi mệnh giá cổ phiếu.
Với chi phí vốn thấp và khối lượng lớn, việc mở rộng thêm các hạn mức vay nước ngoài được lãnh đạo công ty chứng khoán này kỳ vọng giúp tăng cường sức cạnh tranh, cung cấp thêm nguồn vốn giá rẻ, đặc biệt là hoạt động cho vay margin đã ngay lập tức tăng trong những ngày tháng 12 vừa rồi.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-ty-chung-khoan-thang-lon-nam-2020-d136867.html