Công ty cổ phần và phát triển Tuấn Mạnh: Huy động người dân góp vốn tiền tỷ rồi thông báo tài chính kinh doanh… thất thoát
Sáng 14/9, tại Nhà máy sản xuất nông sản gạo, ngô của Chi nhánh Công ty cổ phần Tripod Group thuộc Công ty cổ phần và phát triển Tuấn Mạnh (gọi tắt là Công ty Tuấn Mạnh), xóm Chám, xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên xảy ra sự việc một số người dân từ thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thuê xe tải đến thu hồi một lượng lớn gạo của doanh nghiệp để khấu trừ nợ. Theo những người dân này, họ là nhà đầu tư bị lãnh đạo, nhân viên Công ty Tuấn Mạnh lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng thông qua hình thức kêu gọi góp vốn cho các đơn hàng xuất khẩu lúa, gạo.
Hơn 30 tỷ đồng đã được huy động
Có mặt tại Nhà máy sản xuất nông sản gạo, ngô, Chi nhánh Công ty cổ phần Tripod Group, phóng viên ghi nhận có từ 5-7 người dân từ tỉnh Nghệ An đang bàn bạc phương án vận chuyển số hàng của Công ty Tuấn Mạnh trong kho để khấu trừ nợ.
Họ là nạn nhân của thương vụ góp vốn cho doanh nghiệp và không quản ngại đường xá xa xôi, lặn lội hàng trăm cây số đến Vĩnh Phúc nhằm nỗ lực đàm phán với lãnh đạo Công ty Tuấn Mạnh.
3 ngày phải ăn, ngủ lại khu vực nhà xưởng nên ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi, thất thần nhưng cũng rất bức xúc khi gặp phóng viên để “tố” lãnh đạo, nhân viên Công ty Tuấn Mạnh lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Điển hình trong số nhà đầu tư có bà P. T. Đ, 64 tuổi, ở thành phố Vinh. Do tuổi cao sức yếu, lại bị bệnh tim nên những ngày cùng các con, bạn bè ở đây bà Đ nhiều lần ngất xỉu, phải có người theo sát hỗ trợ, chăm sóc.
Đau xót, tiếc 3 tỷ đồng của mình trót góp vốn vào công ty, bà Đ ngồi không vững, thường xuyên phải nằm trên chiếc ghế gỗ dài trong văn phòng, dưới cái oi nóng hầm hập từ mái tôn chiếu xuống. Xung quanh, những chiếc bánh mỳ, chai nước ăn dở của mọi người để lại cho thấy tình cảnh khổ sở của những người dân chân chất.
Bà N.T.M, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, người nhà bà Đ cho biết: “Tháng 5/2022, ông Tuấn và các nhân viên của Công ty Tuấn Mạnh đã đến nhiều tỉnh, thành, trong đó có Nghệ An để mời gọi nhà đầu tư góp vốn kinh doanh. Tại những nơi ông Tuấn đến đều thành lập chi nhánh, siêu thị mini để quảng bá sản phẩm, hình ảnh.
Nhằm gây dựng lòng tin cho nhà đầu tư, Công ty Tuấn Mạnh mời người dân tham dự hội thảo; tham quan du lịch, nghỉ dưỡng ở các Resort; thăm đồng lúa, nhà máy xay xát ở thành phố Cần Thơ và từng bước dụ dỗ, mời gọi nhà đầu tư góp vốn, từ dài hạn (3 năm) đến ngắn hạn (10-20 ngày) phục vụ các đơn hàng xuất khẩu lúa, gạo đi Malaysia.
Ngoài tỉnh Nghệ An, người của Công ty Tuấn Mạnh còn đi về Hà Tĩnh, Vũng Tàu, Đồng Nai… để huy động hàng chục tỷ đồng. Lãnh đạo công ty này thành lập nhiều chi nhánh, công ty con để lừa đảo người dân”.
Theo lời bà M, tin tưởng vào doanh nghiệp cũng như khoản lợi nhuận kếch xù sẽ được hưởng lợi sau đầu tư, nhiều người dân ở thành phố Vinh đã tự nguyện góp vốn từ vài chục, vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Số tiền của các nhà đầu tư ở tỉnh Nghệ An góp cho doanh nghiệp này đã lên tới con số hơn 30 tỷ đồng. Riêng bà P. T. Đ đầu tư 3 tỷ đồng cho các đơn hàng từ ngắn hạn đến dài hạn. Tuy nhiên, sau 2 lần góp vốn vào tháng 5 và 6 đến nay, bà Đ chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán lãi suất hay khoản tiền nợ gốc nào.
Khi nhà đầu tư tìm đến chi nhánh, siêu thị của Công ty Tuấn Mạnh ở thành phố Vinh, người dân tá hỏa khi thấy biển bảng của doanh nghiệp đã bị tháo dỡ. Do đó, họ đã cử đại diện ra Vĩnh Phúc tìm lãnh đạo doanh nghiệp, đàm phán việc thu hồi hàng hóa để khấu trừ nợ.
Theo chia sẻ của con gái bà P.T.Đ, số tiền 3 tỷ đồng mà bà Đ góp vốn vào Công ty Tuấn Mạnh là do gia đình bán đất mà có. Khoản tiền này bà Đ dự định để dành xây nhà thờ tổ, nhà chưa xây nên bà Đ mang đi gửi tiết kiệm.
Nhưng sau khi gặp và được lãnh đạo, nhân viên công ty Tuấn Mạnh tư vấn, mời gọi đầu tư, bà Đ đã giấu chồng con đi rút tiền tiết kiệm để góp vốn. Đến hạn trả lãi không thấy doanh nghiệp đả động chuyện tiền nong bà Đ mới biết mình bị lừa.
Bà N. T. M cho biết thêm: “Bọn chúng lừa đảo rất tinh vi, trong những buổi hội thảo có nhiều “chân gỗ” của doanh nghiệp. Họ nói rất hay và khẳng định đầu tư vào công ty này sẽ có lãi cao nên nhiều người dân tin tưởng góp vốn.
Khi thu tiền, nhân viên công ty có viết giấy xác nhận số tiền đầu tư kèm 1 bản hợp đồng. Nhưng sau này chúng tôi mới biết bản hợp đồng đó không có giá trị pháp lý vì không có số hợp đồng, mã số thuế đang nghi bị làm giả…”.
Nhà đầu tư nguy cơ mất trắng
Không trốn tránh các nhà đầu tư, ông Đỗ Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Tuấn Mạnh và nhân viên đã đến Nhà máy sản xuất nông sản gạo - ngô một vài lần để đàm phán. Tại đây, ông Tuấn có làm giấy xác nhận Công ty Tuấn Mạnh nhận số tiền 1,5 tỷ của bà Đ; nhất trí để người nhà bà Đ đưa gạo, dầu ăn trong kho về để khấu trừ nợ.
Về lý do Công ty Tuấn Mạnh không thể trả lãi, hoàn vốn đầu tư cho người dân được ông Tuấn cho biết tài chính của công ty đang bị thất thoát. Theo đó, một thành viên của Công ty Tuấn Mạnh là bà Nga đang cầm số tiền hơn 30 tỷ đồng của nhà đầu tư sử dụng vào mục đích riêng. Do đó, ngày 25/8, Công ty Tuấn Mạnh đã làm đơn trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng đề nghị điều tra, làm rõ.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã bác bỏ nguyên nhân này và cho rằng việc làm của ông Tuấn có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà M thông tin thêm: “Trong thời gian ở lại nhà máy, chúng tôi nhặt được một số giấy xác nhận nợ của nhân viên Công ty Tuấn Mạnh; Thông báo của Văn phòng Luật sư số 1 Vĩnh Phúc về việc tiếp nhận yêu cầu tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho cổ đông (tức bà Nga). Điều này mâu thuẫn với lời ông Tuấn nói là đã làm đơn trình báo cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc.
Cũng trong buổi sáng 14/9, khi người nhà bà Đ đang chuẩn bị bốc hàng thì vấp phải sự tranh chấp tài sản là hàng hóa của một nhà đầu tư khác ở tỉnh Phú Thọ. Người này cũng có giấy xác nhận nợ của ông Tuấn và đề nghị được lấy số dầu ăn trong kho để khấu trừ nợ nhưng không được các nhà đầu tư ở thành phố Vinh đồng ý.
Mâu thuẫn diễn ra nên đến trưa cùng ngày, gia đình bà Đ và đại diện một số nhà đầu tư ở thành phố Vinh mới hoàn thành việc bốc hàng. Tổng giá trị hàng hóa thu hồi ước hơn 166 triệu đồng (gồm 5 tấn gạo, 68 thùng nước giặt).
Được biết, bà N. T. Đ đã làm đơn tố giác Vũ Thị Hương, phường Bến Thủy, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An và Lê Thị Hồng, khu đô thị Grand City, đường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên , tỉnh Vĩnh Phúc là nhân viên Công ty Tuấn Mạnh do có hành vi mời gọi, thu tiền góp vốn của nhà đầu tư.
Sáng 14/9, Công an xã Định Trung, thành phố Vĩnh Yên cũng có mặt tại Nhà máy sản xuất nông sản gạo - ngô để làm việc, lấy lời khai của các bên liên quan.
Theo bảo vệ Nhà máy sản xuất nông sản gạo - ngô, mặt bằng khu nhà xưởng được doanh nghiệp thuê lại của người dân địa phương; nhà máy được xây dựng vào tháng 10/2021 với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng (bao gồm cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc). Đầu năm 2022, nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động cho đến tháng 7 thì tạm dừng.
Theo một số giấy tờ còn lại tại văn phòng cho thấy, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty Tuấn Mạnh do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT thành phố Hải Phòng cấp.
Công ty Tuấn Mạnh có địa chỉ trụ sở chính ở phường Đằng Lâm, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, do ông Đỗ Văn Tuấn, sinh năm 1987, hộ khẩu thường trú phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng làm giám đốc.
Trước sự việc trên, các nhà đầu tư ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An mong muốn cơ quan báo chí thông tin rộng rãi nhằm ngăn chặn, không để đối tượng Đỗ Văn Tuấn tiếp tục lừa đảo người dân.
Các nhà đầu tư cần nâng cao tinh thần cảnh giác với các hành vi mời gọi góp vốn xuất khẩu lúa gạo của Công ty Tuấn Mạnh. Đề nghị cơ quan Công an tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Nghệ An khẩn trương vào cuộc xác minh, làm rõ các hành vi của lãnh đạo, nhân viên Công ty Tuấn Mạnh và sớm có kết luận để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Thông tin vụ việc chúng tôi sẽ theo dõi, cập nhật đến bạn đọc trong thời gian tới.