Công ty có số lao động đông nhất TP.HCM tiếp tục cho gần 6.000 lao động nghỉ việc
Do tiếp tục gặp khó khăn về đơn hàng, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam tiếp tục cắt giảm thêm khoảng 5.700 lao động. Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, đơn vị buộc phải cắt giảm lao động do khó khăn đơn hàng.
Chia sẻ về tình hình lao động tại Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam – doanh nghiệp có số lao động lớn nhất TP.HCM với hơn 50.000 lao động tiếp tục cắt giảm lao động, chiều 18.5, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, cho biết khi tình hình sản xuất các đơn hàng có khó khăn, công ty đã chủ động báo cáo đến sở và dự kiến các phương án thực hiện. Theo đó công ty Pouyuen dự kiến sẽ chấm dứt hợp đồng lao động khoảng hơn 5.700 người. Công ty sẽ chi trả quyền lợi cho toàn bộ thời gian người lao động làm việc mỗi năm là 0,8 tháng tiền lương.
Dự kiến số lao động nghỉ việc ở Long An, Tiền Giang chiếm 34,3%; các tỉnh khác (chủ yếu khu vực miền Trung, miền Bắc) chiếm 35,3%,; TP.HCM chiếm 30,4%. Trong số những lao động bị nghỉ việc, người trên 40 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 53,6%.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cắt giảm người lao động do gặp khó khăn về đơn hàng. Trước đó, vào tháng 2.2023, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã phải cắt giảm gần 3.000 lao động.
Như vậy, sau 2 lần cắt giảm lao động, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã cho gần 10.000 công nhân nghỉ việc.
Để hỗ trợ cho người lao động mất việc, ông Lâm cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM đang phối hợp với Công ty Pouyuen khảo sát nguyện vọng việc làm, đào tạo nghề của người lao động vào ngày 20.5. Dự kiến sẽ có 16 doanh nghiệp cần tuyển dụng khoảng 4.960 vị trí việc làm trong các lĩnh vực: may mặc, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ ăn uống, lễ tân, bảo vệ để triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, Sở Lao động Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan đang chủ động nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quan hệ lao động, biến động lao động, chủ động giải pháp hỗ trợ kịp thời, phòng ngừa tranh chấp tập thể, ngừng việc, phối hợp với các sở, ban, ngành để tham gia giải quyết.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định. Sở cũng đã đề nghị Bảo hiểm xã hội TP,HCM chủ động kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của các doanh nghiệp.
Nhận định về thị trường lao động thời gian tới, ông Nguyễn Văn Lâm, cho biết, thị trường lao động còn bị ảnh hưởng và trầm lắng vì nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may - giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực khác như sản xuất lương thực, thực phẩm, đồ uống; sản xuất sản phẩm điện tử máy tính; bán buôn và bán lẻ; du lịch; tài chính – ngân hàng sẽ tăng về nhu cầu tuyển dụng, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động trong các lĩnh vực này.