Công ty CPQT ICO bị đình chỉ đại diện xin visa Nhật, sai phạm hàng loạt: Xử lý thế nào?
Công ty CP quốc tế ICO gian lận tài chính cho học sinh đi du học Nhật Bản, không trả hồ sơ cho các phụ huynh có con đi du học Nhật Bản bị trượt... sẽ bị xử lý thế nào?
Như Kiến Thức đã đưa tin, Công ty CP quốc tế ICO bị đình chỉ đại diện xin cấp visa Nhật khiến dư luận xôn xao trước nghi án gian lận tài chính cho học sinh, không trả hồ sơ cho các phụ huynh có con đi du học Nhật Bản bị trượt tư cách lưu trú. Đặc biệt, Tập đoàn ICOGroup còn bị tố đã "cấu kết" với Hiệu trưởng của một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước rồi mở lớp dạy tiếng nước ngoài như Nhật, Hàn, Đài Loan trái phép trong nhà trường để dễ dàng "hút" được nhiều học sinh tham gia.
Để đa chiều thông tin vụ việc dưới góc nhìn pháp lý, PV Kiến Thức đã có buổi làm việc với Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội về hành vi sai phạm của Công ty CP quốc tế ICO sẽ bị xử lý thế nào?
Luật sư Tùng cho biết: "Nếu có hành vi gian lận tài chính để cho học sinh đi du học Nhật Bản thì cần phải xác định cụ thể việc gian lận tài chính ở đây là gì? Có làm giả giấy tờ gì để chứng minh tài chính hay không? Tùy vào mức độ gian lận cụ thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật, nếu có hành vi làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức thì có thể bị truy cứu TNHS về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”,
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi của mình, các học sinh và phụ huynh có thể căn cứ vào nội dụng hợp đồng hoặc cam kết đã ký với ICO để đòi lại các quyền lợi cho mình.
Nói về việc Tập đoàn ICOGroup còn bị tố đã "cấu kết" với Hiệu trưởng của một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, sử dụng cơ sở vật chất, tài sản của Nhà nước rồi mở lớp dạy tiếng nước ngoài như Nhật, Hàn, Đài Loan trái phép, Luật sư Hoàng Tùng cho hay, trường hợp chưa được cấp phép nhưng đã dạy học trong các trường học của Công ty CP quốc tế ICO là hành vi trái quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục, cụ thể đấy là hành vi vi phạm về điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục.
“Công ty ICO chỉ được phép thực hiện hoạt động giảng dạy tại những cơ sở đã được đăng ký giảng dạy. Việc tự ý giảng dạy trong các trường học (kể cả với tuyên bố là miễn phí 1 tháng học ngoại ngữ) là tổ chức hoạt động giáo dục ngoài địa điểm được cho phép. Hành vi này có thể bị phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm b, khoản 2 Điều 6 Nghị định 138/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục “b) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học;”) và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là chuyển người học về địa điểm đã được cấp phép”, Luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Về vấn đề hiệu trưởng các trường “ vượt mặt” Sở giáo dục để cho công ty ICO dạy học trong trường, Luật sư Tùng cho rằng, các cơ quan ban ngành có thẩm quyền cần phải tiến hành thanh tra, làm rõ vấn đề có hay không việc các hiệu trưởng cho phép ICO sử dụng lớp học, cơ sở vật chất của trường học để dạy học mà chưa được Sở GD&ĐT phê duyệt?
“Đây là thỏa thuận giữa ICO với riêng hiệu trưởng hay với nhà trường? nếu có thì thực hiện dưới hình thức cho thuê hay cho mượn? Dù là hình thức cho thuê hay cho mượn thì cả phía hiệu trưởng và ICO đều vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công”, Luật sư Tùng cho biết.
Cụ thể, theo luật Quản lý sử dụng tài sản công năm 2017 thì hành vi cho thuê, mượn mà chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì đây là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu hiệu trưởng các trường tự ý cho thuê hoặc mượn các phòng học để ICO dạy học là lạm dụng chức vụ quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công.
Trong trường hợp đây là thuê lớp học để tổ chức giảng dạy, Luật sư Tùng cho rằng, cần xác định tài sản thuê (các lớp học) có giá trị là bao nhiêu? Hợp đồng thuê giá trị bao nhiêu?
Công ty ICO có thể bị phạt đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Điều 7 nghị định số 63/2019 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý sử dụng tài sản công.
Đối với các trường tự ý cho thuê có thể bị phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 nghị định 63/2019 và buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của tài sản đã bị thay đổi (chỉ để dạy học và hoạt động của trường học) và phải nộp lại số lợi bất hợp pháp (khoản tiền cho thuê).
Trong trường hợp các trường cho ICO mượn lớp học, cơ sở vật chất để giảng dạy thì: có thể bị phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (điểm c khoản 1 điều 9 nghị định 63/2019) “c) Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng trong trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp...” và buộc chấm dứt hành vi cho mượn lớp học và cơ sở vật chất của trường.
“Nếu việc cho thuê, mượn này là cá nhân hiệu trưởng các trường cho phép thì mức xử phạt đối với hiệu trưởng là ½ số tiền phạt nêu trên. Ngoài ra hiệu trưởng có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách do có hành vi sử dụng tài sản công trái pháp luật (khoản 5 Điều 9 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định xử lý kỷ luật công chức)”, Luật sư Hoàng Tùng cho biết.
Luật sư Hoàng Tùng cho rằng, qua sự việc này, người dân cần phải thận trọng hơn trong việc tìm hiểu, ký kết hợp đồng đối với các công ty hoặc trung tâm tư vấn du học. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra, rà soát để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân.