Công ty đa cấp cử người đại diện ở địa phương để 'đối phó', kiến nghị sửa quy định
Cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp đã đưa ra phương án về việc doanh nghiệp có hoạt động bán hàng đa cấp ở địa phương nào thì cần thành lập chi nhánh ở địa phương đó.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Viêt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) về góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo cơ quan soạn thảo, hiện nay, các doanh nghiệp (DN) bán hàng đa cấp không thành lập nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện để triển khai hoạt động kinh doanh. Nghị định 40 hiện hành cũng quy định, trường hợp DN không có trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương nơi DN có hoạt động bán hàng đa cấp thì phải cử một người đại diện tại địa phương đó.
Người đại diện này sẽ đăng ký với Sở Công Thương để làm đầu mối làm việc của DN tại địa phương này. Tuy nhiên trên thực tế, quy định này không phát huy hiệu quả như mong muốn. Theo phản ánh của các Sở Công Thương, DN thường cử người đại diện mang tính chất đối phó, để có được xác nhận đăng ký hoạt động tại địa phương.
Khi các Sở Công Thương liên hệ làm việc, người đại diện thường không nắm được thông tin về hoạt động của DN, chỉ tiếp nhận sau đó chuyển về trụ sở chính xử lý.
Để giải quyết vấn đề này, trong dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là quy định DN có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nào phải thành lập chi nhánh ở địa phương đó. Phương án 2 là giữ nguyên quy định như hiện nay, DN có hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương nào thì phải cử người đại diện tại địa phương đó, nhưng đưa ra các yêu cầu, điều cụ thể đối với người đại diện nhằm đảm bảo hiệu quả.
Trong góp ý cho dự thảo, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các phương án về tính cần thiết. Theo VCCI, đây là quy định can thiệp trực tiếp vào quyền tự chủ của DN về tổ chức bộ máy, trong khi DN đã đủ điều kiện hoạt động và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
"Việc cung cấp thông tin có thể được giải quyết bằng cách bổ sung quy định về trình tự, thủ tục yêu cầu cung cấp thông tin, trong đó có quy định về thời hạn DN hoặc người đại diện tại địa phương của DN phải cung cấp các thông tin mà cơ quan nhà nước yêu cầu. Khi đó, DN sẽ phải thiết lập một cơ chế phù hợp để đảm bảo cung cấp thông tin trong thời hạn quy định cho cơ quan nhà nước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc về việc đặt ra quy định này"- VCCI nêu quan điểm.
Chia sẻ quan điểm về vấn đề này với Báo Người Lao Động, Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc không có chi nhánh có thể gây khó khăn phần nào cho cơ quan quản lý tại địa phương, nhưng việc kiểm soát hoạt động của kinh doanh bán hàng đa cấp cấn triển khai thường xuyên ở cơ quan "đầu não", tức là trụ sở chính.
Theo phân tích của ông Hiếu, quy trình hoạt động bán hàng, kinh doanh, trả thưởng cho người tham gia đều từ cơ quan "đầu não". Do đó, vị chuyên gia kiến nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét có cần thiết phải quy định bắt buộc thành lập chi nhánh của DN bán hàng đa cấp tại các địa phương hay không.
Trong khi đó, LS Diệp Năng Bình cho rằng, việc thành lập chi nhánh ở các địa phương nếu DN có hoạt động bán hàng đa cấp sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý, tuy nhiên cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết hơn các tiêu chí để bắt buộc phải thành lập chi nhánh. Vị LS đề xuất, phải quy định số lượng người tham gia bán hàng đa cấp ở địa phương là bao nhiêu thì mới phải thành lập chi nhánh.
"Bởi nếu ở một địa phương chưa phát triển về mô hình này, chỉ có một vài người tham gia hoạt động kinh doanh đa cấp mà phải thành lập cả chi nhánh thì sẽ tạo gánh nặng cho DN"- LS Diệp Năng Bình nêu quan điểm.