Công ty ĐHĐ tổ chức Hội nghị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022
Ngày 21/7, Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và Phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.
Tham dự Hội nghị có Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) tỉnh Bình Thuận, Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, BCH PCTT&TKCN các huyện Tánh Linh, Đức Linh và các đơn vị thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai.
Tại Hội nghị, ông Diệp Chí Hiếu - Trưởng phòng Kỹ thuật và An toàn Công ty ĐHĐ trình bày Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.
Theo nội dung báo cáo, tình hình thủy văn trên lưu vực hồ thủy điện Đơn Dương và Hàm Thuận năm 2021 không có diễn biến bất thường, lưu lượng nước về hồ cao hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, lưu lượng về hồ chứa Đơn Dương là 28,41 m3/s, lưu lượng trung bình về hồ từ năm 1978 đến năm 2017 là 22,40 m3/s; lưu lượng về hồ chứa Hàm Thuận là 56,32 m3/s, lưu lượng trung bình về hồ từ năm 1952 đến năm 2016 là 50,40 m3/s. Trong năm, hồ Đơn Dương xuất hiện 02 cơn lũ vào các ngày 11 và 30/11/2021 với lưu lượng đỉnh lũ lần lượt là 453 m3/s và 552m3/s. Công ty ĐHĐ đã phối họp với BCH PCTT&TKCN tỉnh Lâm Đồng xả điều tiết nước qua đập tràn Đơn Dương với lưu lượng tối đa 400m3/s, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho hạ du các huyện Đơn Dương và Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng. Hồ Hàm Thuận xuất hiện 01 cơn lũ vào ngày 11/10/2021 với lưu lượng đỉnh lũ là 725m3/s. Công ty đã phối hợp với BCH PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận xả điều tiết với lưu lượng tối đa 25m3/s, cắt 96,55% đỉnh lũ, góp phần đảm bảo an toàn cho hạ du các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức linh tỉnh Bình Thuận.
Để thực hiện tốt công tác PCTT&TKCN, trong năm qua Công ty ĐHĐ đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, bảo dưỡng sửa chữa hệ thống công trình, thiết bị và tuyệt đối tuân thủ các quy trình vận hành hồ chứa như: Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Đồng Nai; Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Đa Nhim; Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Hàm Thuận; Quy trình vận hành hồ chứa thủy điện Đa Mi ... Bên cạnh đó, Công ty xây dựng và cập nhật các phương án đảm bảo an toàn hồ đập theo văn bản pháp luật hiện hành như: Phương án ứng phó thiên tai; Phương án ứng phó tình huống khẩn cấp; Phương án bảo vệ đập; và thực hiện công tác quan trắc đập và hồ chứa theo quy định.
Trong năm 2021, Công ty ĐHĐ tiếp tục thực hiện quy chế phối hợp giữa chủ đập và địa phương trong công tác PCTT&TKCN, trong đó tăng cường phối hớp với BCH PCTT&TKCN các tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận; thực hiện Quy chế phối hợp cung cấp thông tin, số liệu điều tiết, vận hành hồ chứa thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Thuận, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ... kịp thời tiếp nhận dữ liệu thủy văn trên lưu vực các hồ chứa, phục vụ công tác dự báo lưu lượng nước về hồ để vận hành hồ thủy điện đúng quy trình.`
Song song với việc tăng cường phối hợp với địa phương, Công ty thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ" trong công tác PCTT&TKCN; tăng cường kiểm tra, bảo trì công trình, thiết bị trước mùa lũ năm 2021; tổ chức diễn tập PCTT&TKCN công trình thủy điện Đa Nhim vào ngày 17 tháng 9 năm 2021; xây dựng bản đồ ngập lụt và hệ thống cột tiêu hạ du hồ Đơn Dương và hồ Hàm Thuận nhằm cảnh báo những khu vực có nguy cơ ngập lụt, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Kiệt - Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết mùa mưa năm 2022 đến sớm nhưng lại kết thúc muộn. Mưa tập trung vào những tháng cuối năm, đặc biệt lượng mưa từ tháng 9 đến tháng 12 được dự báo cao hơn trung bình nhiều năm. Năm 2022 được dự báo có từ 12 đến 14 cơn bão nhưng xuất hiện muộn và sẽ dồn dập vào những tháng cuối năm. Đây là điểm đặc biệt của thời tiết năm nay mà các chủ hồ chứa cần quan tâm để chuẩn bị cho công tác vận hành hồ chứa trong mùa lũ được hiệu quả.
Ông Huỳnh Văn Tú - Phó chủ tịch UBND huyện Đức Linh đánh gia cao công tác phối hợp giữa Công ty ĐHĐ với địa phương trong công tác kiểm tra hạ du, cung cấp thông tin về tình hình vận hành hồ chứa để địa phương chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Văn Ty - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh cho rằng quy chế phối hợp giữa Công ty và địa phương ngày càng hoàn thiện; kinh nghiệp chỉ huy trong công tác PCTT&TKCN cũng được nâng lên đáng kể. Ông Võ Văn Ty đánh giá cao hiệu quả của hệ thống thiết bị công nghệ thông tin do Công ty ĐHĐ lắp đặt tại BCH PCTT&TKCN huyện Tánh Linh đã góp phần cung cấp thông tin, hình ảnh trực quan, giúp địa phương chủ động trong việc xây dựng phương án PCTT&TKCN và sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng BCH PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận cho biết: “Kể từ khi có công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, việc cắt lũ, giảm thiểu thiệt hại cho hạ du trở nên cực kỳ hiệu quả. Đơn cử như năm 1999, lũ trên sông La Ngà đã trực tiếp đổ về huyện Tánh Linh và Đức Linh gây thiệt hại lớn cho hạ du. Kể từ khi hồ thủy điện Hàm Thuận đi vào vận hành, lũ trên sông La Ngà đã được điều tiết, phần lớn lũ đã được “nhốt” lại trong hồ, giảm thiểu đáng kể thiệt hại cho hạ du. Chúng tôi đã tăng cường tập huấn, tuyên truyền cho người dân hiểu về hiệu quả của các hồ thủy điện, bản thân hồ thủy điện không tạo ra lũ”.
Đại diện Lãnh đạo Công ty ĐHĐ, ông Đỗ Minh Lộc - Phó Tổng giám đốc cám ơn BCH PCTT&TKCN tỉnh Bình Thuận, đại diện chính quyền địa phương, Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, các Công ty thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai đã tham dự Hội nghị và có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng. Ông Đỗ Minh Lộc cho biết trong các tháng cuối năm 2022, Công ty sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra thiết bị, phối hợp với địa phương và các đơn vị bạn trên lưu vực sông Đồng Nai để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống lụt bão và vận hành các hồ chứa thủy điện tuân thủ quy trình, đảm bảo an toàn cho hạ du. Ông Đỗ Minh Lộc cũng đề nghị chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trong việc bảo vệ hành lang dòng chảy thoát lũ, hạn chế canh tác nông nghiệp trên các bãi bồi ven sông vào mùa lũ nhằm giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho hạ du.