Công ty đứng sau sự cố gây tê liệt một nửa Internet hôm 8/6
Sự cố máy chủ của Fastly khiến hàng loạt website phổ biến trên thế giới không thể truy cập bình thường vào chiều tối 8/6.
Theo đó, sự cố liên quan đến công ty này khiến nhiều website quốc tế bị "sập" như CNN, Reddit, Twitch, New York Times... Theo Fastly, tình trạng ảnh hưởng đến các website tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và châu Phi.
Được thành lập năm 2011 và có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), Fastly là mạng phân phối nội dung (CDN) được sử dụng phổ biến bởi nhiều website khác nhau, kể cả các trang tin hay mạng xã hội lớn, có nhiều người truy cập cùng lúc.
Cung cấp dịch vụ quan trọng cho phần lớn Internet
Có thể là thuật ngữ xa lạ, nhưng CDN là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng Internet. CDN chịu trách nhiệm điều hành mạng lưới máy chủ rải khắp toàn cầu để đảm bảo nội dung của các trang web (văn bản, hình ảnh...) có thể được tải kịp thời dù người truy cập từ bất cứ đâu.
Nói ngắn gọn, nếu truy cập website của nước ngoài, một phần trang web có thể được CDN điều phối để lưu trên máy chủ được đặt gần bạn. Điều này giúp giảm thời gian tải trang, nội dung hình ảnh, video cũng được tối ưu giúp hiển thị nhanh chóng, mượt mà hơn.
Website Fastly ghi rằng CDN của họ giúp thời gian tải trang trên BuzzFeed nhanh hơn 50%, hỗ trợ New York Times xử lý 2 triệu độc giả truy cập cùng lúc trong đêm bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Do cách quản lý, kiểm soát máy chủ của Fastly, bất cứ sự cố liên quan đến công ty này có thể khiến toàn bộ website không truy cập được. Đó là những gì xảy ra vào ngày 8/6.
Theo đó vào chiều tối 8/6 (giờ Việt Nam), sự cố máy chủ tại Fastly khiến các website sử dụng CDN của công ty này gặp lỗi, bao gồm PayPal, New York Times, Financial Times, GitHub... Ngay cả trang web của Nhà Trắng, chính phủ Anh cũng không thể truy cập.
Trên khắp thế giới, người dùng liên tục phản ánh sự cố không thể truy cập, website báo lỗi "I/O error" hoặc "Error 503 Service Unavailable". Theo CNET, lỗi này xảy ra khi máy chủ website tạm thời không thể xử lý yêu cầu truy cập, có thể do quá tải, gặp lỗi hoặc được bảo trì.
Tình trạng nhiều website không thể truy cập do lỗi từ Fastly cho thấy CDN của công ty này được sử dụng khá phổ biến. Trước khi hệ thống gặp lỗi, giá cổ phiếu của Fastly đã tăng hơn gấp đôi từ khi công ty này chào bán lần đầu (IPO) vào năm 2019, New York Times đưa tin.
Lý do sự cố gây lỗi diện rộng
Đến khoảng 18h cùng ngày (giờ Việt Nam), các website đã có thể truy cập nhưng vẫn chưa ổn định. Fastly cho biết đang điều tra “những tác động tiềm ẩn đến hiệu suất dịch vụ CDN”. Phát ngôn viên Fastly cho biết đây là sự cố kỹ thuật do lỗi cấu hình, không phải tấn công mạng.
Theo Barrons, CDN điều hành hàng nghìn máy chủ được đặt khắp nơi trên thế giới. Các nhà cung cấp CDN, trong trường hợp này là Fastly, thường xuyên thay đổi cấu hình máy chủ để phục vụ nhu cầu khách hàng (các website), vá lỗi bảo mật hoặc nâng cấp phần mềm.
Nhà phân tích Mike Dorosh từ Gartner cho rằng nhân viên kỹ thuật của Fastly có thể đã nhập sai thông số, hoặc tải nhầm file khi cấu hình máy chủ. Do lưu lượng truy cập lớn, sai lầm nhanh chóng gây ra sự cố trên diện rộng.
Trong thông báo chính thức sau đó, Fastly xác nhận đã khắc phục lỗi. Tuy nhiên, người dùng vẫn có thể gặp tình trạng web tải chậm, một số tính năng chưa ổn định do dữ liệu cache đang được nạp lại. Hiện chưa rõ khi nào tốc độ truy cập các website mới được khôi phục hoàn toàn.
Sự cố CDN là một phần của Internet
Theo hãng phân tích Kentik, lưu lượng truy cập Internet từ các dịch vụ của Fastly giảm 75% khi sự cố xảy ra. Doug Madory, Giám đốc Phân tích Internet của Kentik nhận định những sự cố ngắn hạn như vừa rồi sẽ luôn tồn tại trên Internet.
"Lỗi trên Internet là điều không thể tránh bởi sự phức tạp của các hệ thống mạng", Madory chia sẻ. Sau sự cố máy chủ, cổ phiếu của Fastly có giảm rồi tăng trở lại, đạt 53,89 USD trong phiên giao dịch sáng 8/6 (giờ Mỹ), cao hơn 3% so với ngày trước.
Theo Dorosh, các website có thể ngăn chặn khả năng ngừng hoạt động bằng cách sử dụng nhiều CDN khác nhau. Nếu một CDN gặp lỗi, trang web chỉ bị "sập" một phần, hoặc vẫn hoạt động bình thường do có CDN khác để backup. Trong sự cố ngày 8/6, Twitter chỉ bị lỗi ở mục biểu tượng cảm xúc do phần còn lại của trang web sử dụng CDN khác.
Tháng 8/2020, sự cố của nhà mạng CenturyLink từng khiến nhiều hệ thống như Cloudflare, Hulu, PlayStation Network, Xbox Live... ngừng hoạt động. Do là dịch vụ cung cấp CDN tương tự Fastly, việc Cloudflare gặp lỗi kéo theo hàng loạt website khác không thể truy cập.