Công ty Hàn Quốc phải thay đổi để chiều lòng nhân viên trẻ
Khác các thế hệ trước, người trẻ xứ củ sâm không còn coi công việc là lẽ sống hay phục tùng tuyệt đối yêu cầu từ cấp trên.
Đằng sau tốc độ phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc là một nền văn hóa doanh nghiệp được ví như quân đội, nơi các nhân viên đều vì mục tiêu chung: thành công của công ty và phúc lợi của gia đình, theo Korea Herald.
Tuy nhiên, nền văn hóa doanh nghiệp kéo dài hàng thập kỷ nay đang buộc phải thay đổi vì một thế hệ mới của lực lượng lao động, những người nhận thấy vòng xoay làm việc 9h đến 18h, những bữa tiệc công ty và hệ thống giao tiếp thứ bậc không còn phù hợp và không hiệu quả.
Quan trọng nhất, những người lao động trẻ tuổi có lẽ không còn thấy việc hy sinh thời gian cá nhân cho sự phát triển của công ty là xứng đáng.
Thay đổi
Nhiều doanh nghiệp, từ các công ty công nghệ đến những công ty sản xuất nổi tiếng bảo thủ, đang tìm cách thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với nhóm nhân viên không còn coi việc leo lên nấc thang sự nghiệp là lẽ sống.
Gần đây nhất, Naver đã đưa ra quyết định chưa từng có khi cho 4.000 nhân viên tùy chọn làm việc 3 hoặc 5 ngày/tuần tại nhà. Một số doanh nghiệp khác đang áp dụng hình thức làm việc từ xa kết hợp, ví dụ như cho phép nhân viên đến các không gian làm việc chung gần đó thay vì trụ sở công ty.
"Làm việc từ xa khiến mọi thứ ở một công ty hấp dẫn hơn. Dù có ý kiến chỉ trích rằng làm việc từ xa khiến hiệu suất làm việc giảm, đến nay, tôi vẫn không thấy có vấn đề gì", Shin (32 tuổi), nhân viên làm việc tại Naver trong 9 năm và hiện giữ chức quản lý, nhận xét.
Khi được hỏi liệu có lo triển vọng thăng tiến của mình bị ảnh hưởng vì không tương tác trực tiếp đủ với cấp trên, Shin cho hay một công ty công nghệ như Naver ưu tiên hiệu suất làm việc hơn.
Hyundai Motor, tập đoàn sản xuất từng dựa vào những nhân viên trung thành, chăm chỉ, cũng quyết định cho nhân viên kết hợp làm việc từ xa sau khi các quy định giãn cách xã hội được nới lỏng. Ít nhất 30% nhân viên tập đoàn làm việc tại nhà từ tháng 4, so với con số 50% ban đầu vào thời điểm Covid-19 đạt đỉnh.
Kim Gyu-won (26 tuổi) có thâm niên làm việc 1 năm, muốn công ty duy trì chính sách làm việc từ xa mãi mãi.
"Tôi mất khoảng 1,5 tiếng mỗi ngày để đi làm và điều đó thực sự mệt mỏi. Được làm việc từ xa khiến tôi minh mẫn hơn vì được ngủ đủ và có cuộc sống cân bằng".
Theo Kim, Hyundai Motor cũng giảm tần suất các cuộc họp trực tiếp và văn hóa thứ bậc ở công ty. Bên cạnh đó, Kim thích làm việc từ xa vì cô tin rằng đây là điều cơ bản để một công ty trở thành "doanh nghiệp chú trọng hiệu suất".
"Tôi nghĩ rằng một nhân viên làm tốt công việc được thăng chức sẽ phù hợp hơn là việc lãnh đạo xem xét những yếu tố khác".
Tất nhiên, không phải ai cũng hạnh phúc. Những thay đổi này cũng nhận được phản ứng trái chiều từ nhân viên, người sử dụng lao động và các chuyên gia ở nhiều thế hệ.
Một số hào hứng với việc có giờ làm việc linh hoạt trong khi những người khác lo ngại điều này sẽ cản trở năng suất làm việc và khiến các công ty Hàn Quốc "quá dựa vào hiệu suất" mà đánh mất tinh thần "công ty như gia đình".
"Tôi nghĩ đây là hệ thống tuyệt vời dành cho những bà mẹ đang đi làm và những nhân viên coi trọng thời gian cá nhân sau giờ làm việc. Nhưng với tư cách là quản lý, tôi tin là nên gặp mặt và làm việc trực tiếp vẫn tốt hơn", một nhân viên ở độ tuổi 40 tại Posco nhận xét.
Theo một cuộc khảo sát do Gallup Korea thực hiện vào tháng 3/2021 trên 1.204 nhân viên văn phòng ở độ tuổi 25-54, 30% trả lời rằng họ từng làm việc từ xa. Trong số này, 90% người được hỏi ở độ tuổi 25-34 cho biết họ hài lòng với hình thức làm việc từ xa và muốn tiếp tục. Mặt khác, có 66% người ở độ tuổi 35-44 và 45-54 thích điều này.
Gallup Korea giải thích rằng thế hệ trẻ thích làm việc từ xa vì họ quen thuộc hơn với điện thoại di động và các công nghệ, giúp quá trình làm việc thuận lợi hơn.
Triển vọng làm việc từ xa
Theo một số chuyên gia, việc áp dụng chế độ làm việc từ xa có ảnh hưởng đến văn hóa thứ bậc ở doanh nghiệp Hàn Quốc.
“Mỗi công ty cần có hệ thống thứ bậc riêng vì quản lý một doanh nghiệp tóm lại vẫn là việc đưa ra các quyết định. Nhưng việc giám sát và quản lý quá mức, vốn là một phần trong hệ thống thứ bậc ở công ty Hàn Quốc, có thể sẽ bị giảm bớt khi làm việc từ xa", Lee Young-myon, giáo sư kinh doanh tại Đại học Dongguk, giải thích và nói thêm rằng hệ thống thứ bậc sẽ tiếp tục tồn tại, chỉ là ở một dạng khác.
Giáo sư Lee không đồng tình với ý kiến rằng làm việc từ xa sẽ giảm hiệu quả làm việc và ảnh hưởng đến nền kinh tế.
"Làm việc từ xa sẽ trở nên phổ biến nhưng sẽ không làm suy giảm nền kinh tế bởi vì nó đem lại môi trường làm việc giới trẻ Hàn Quốc mong muốn và khi các công ty đạt được kết quả họ cần, thì nó sẽ trở thành tình huống đôi bên cùng có lợi, giữa người lao động và người sử dụng lao động".
Kim Tae-gyu, giáo sư kinh doanh tại Đại học Hàn Quốc, gọi làm việc từ xa là cơ hội để các công ty tạo ra những con đường mới.
"Các công ty cho phép nhân viên tự hành động dựa trên sự tin tưởng thay vì quản lý chặt chẽ là một trường hợp thành công đã được chứng minh trong ngành này. Tôi hy vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ coi điều này như một cơ hội để xem xét lại lòng tin của họ với nhân viên và đem nó trở thành cơ hội để phát triển".
Trong khi đó, một số chuyên gia chỉ ra rằng việc ép buộc nhân viên làm việc từ xa trong một “môi trường không được chuẩn bị trước” sẽ chỉ khiến họ thêm căng thẳng và khiến công ty có vấn đề mới phải giải quyết.
"Các công nghệ xuất hiện gấp gáp do đại dịch Covid-19 được cho là sẽ làm gia tăng technostress - căng thẳng do công nghệ và điều này có tác động tiêu cực đến năng suất làm việc", Noh Hye-young, giáo sư tại Đại học Gachon, cho biết.