Công ty lâm nghiệp Yên Lập đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh
Công ty lâm nghiệp Yên Lập là doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng công ty Giấy Việt Nam. Tiền thân là Lâm trường Yên Lập, được thành lập từ năm 1963. Trải qua 59 năm hoạt động, công ty đã có nhiều đổi mới trong sản xuất kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho người lao động.
Công nhân Công ty lâm nghiệp Yên Lập thực hiện trồng rừng năm 2022.
Công ty lâm nghiệp Yên Lập hiện đang quản lý 2.003ha rừng trên địa bàn 11 xã, thị trấn của huyện Yên Lập. Trong đó có trên 1.500ha là rừng trồng keo và bạch đàn. Tổng số cán bộ, công nhân viên của công ty là 78 người, lao động thời vụ là trên 300 người thực hiện trồng và khai thác rừng.
Những năm qua, trong hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty gặp không ít khó khăn như: Có một số diện tích đất trong phạm vi lâm trường quản lý bị người dân lấn chiếm như tại xã Phúc Khánh, Lương Sơn, Ngọc Lập. Ngoài ra, cây keo đã trải qua nhiều chu kỳ do vậy phát sinh nấm bệnh dẫn đến năng suất rừng trồng thấp…
Cán bộ kỹ thuật của công ty kiểm tra quy trình trồng rừng ở khu đồi Khe Ngang, Bến Sơn, thị trấn Yên Lập.
Để đảm bảo, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công ty đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, thu hồi các khu vực bị lấn chiếm. Đối với các diện tích đã giải quyết thu hồi, công ty tiến hành quy hoạch phân lô, hợp đồng giao khoán đến hộ và người lao động trong đó ưu tiên tạo điều kiện cho các hộ dân địa phương tham gia trồng rừng. Đồng thời, chủ động tìm giống keo có năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu bệnh tốt để thay thế những giống cây cũ năng suất thấp. Tăng cường các biện pháp thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, máy móc vào sản xuất như máy khoan hố, máy phát cỏ nhằm nâng cao năng suất trồng rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh. Thực hiện thí điểm mô hình chuyển hóa rừng cây gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị rừng trồng, giám sát chặt chẽ, tận dụng tối đa sản phẩm gỗ, từ đó nâng cao tỷ lệ lợi dụng gỗ làm tăng sản lượng từ 10 - 15%, tăng doanh thu và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, để nâng cao giá trị sản phẩm cho doanh nghiệp, bên cạnh việc cung cấp gỗ nguyên liệu giấy cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam, công ty tiến hành đưa một phần gỗ về chế biến các mặt hàng như gỗ bóc, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân địa phương.
Với những nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên công ty, doanh thu trung bình hàng năm của công ty đạt khoảng 15 tỉ đồng. Năm 2022, doanh thu dự kiến đạt trên 20 tỉ đồng. Mức thu nhập bình quân của người lao động trung bình từ 4,2 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ bảo hiểm, phúc lợi đảm bảo, người lao động yêu ngành, yêu nghề, gắn bó với công ty và công việc trồng rừng.
Công ty lâm nghiệp Yên Lập đầu tư dây chuyền máy bóc gỗ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ông Phùng Mạnh Thắng – Giám đốc Công ty cho biết: Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương có liên quan để cấp lại bìa đỏ toàn bộ diện tích đất của công ty đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tham mưu với Tổng Công ty Giấy Việt Nam mạnh dạn chuyển đổi đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào trồng, chăm sóc, khai thác, rút ngắn chu kỳ kinh doanh từ 7 năm xuống 4 – 5 năm để nhanh thu hồi vốn đầu tư. Tăng cường các hoạt động chế biến gỗ để nâng cao giá trị sản phẩm rừng trồng.
Với những định hướng cụ thể, sát thực cùng sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân công ty, trong thời gian tới Công ty lâm nghiệp Yên Lập sẽ có những bước phát triển mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giữ màu xanh cho những cánh rừng…