Công ty Mỹ cấm mang 'nửa kia' đến tiệc tất niên
Nhiều doanh nghiệp không còn mời vợ/chồng của nhân sự đến tiệc tất niên, tạo cơ hội cho người lao động làm việc từ xa tự do gặp gỡ, thoải mái kết nối.
Theo khảo sát 173 doanh nghiệp của công ty dịch vụ việc làm Challenger, Gray & Christmas, chỉ dưới 1/3 đơn vị mời nửa kia của nhân sự tham gia tiệc năm mới trong năm nay. Tỷ lệ này giảm mạnh so với mức 53% hồi năm 2021.
Trước đây, các gia đình phụ thuộc vào một trụ cột tài chính duy nhất. Vì thế, các cặp vợ chồng chỉ hưởng một tiệc tất niên, một khoản tiền thưởng, coi đây là phúc lợi chung.
Hiện nay, truyền thống này dần phai nhạt khi mỗi người đều có công việc riêng, tham gia YEP (viết tắt của “year end party”, tạm dịch: “tiệc tất niên”) riêng, ít quan tâm đến các sự kiện cuối năm của đối phương, theo WSJ.
Tiệc cho nhân sự làm việc từ xa ít gặp gỡ
Gần 60% công ty trả lời khảo sát của Challenger cho biết đang tinh gọn tiệc tất niên. Các đơn vị không mời nửa kia của nhân sự tham gia YEP trong năm nay cũng đồng thời rút gọn lịch nghỉ lễ.
Đối với các doanh nghiệp, quy luật ngầm mới giúp cắt giảm chi phí tổ chức sự kiện.
Tuy nhiên, mục đích quan trọng hơn của xu hướng này là giúp các nhân sự làm việc từ xa có cơ hội gặp mặt, tương tác trực tiếp và giao lưu một cách thoải mái. Lễ hội là dịp để các thành viên trong đội nhóm gắn kết, tụ họp.
“Chúng tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ”, Efrat Ravid, Giám đốc tiếp thị tại công ty phân tích kỹ thuật số Quantum Metric, cho biết.
Công ty dự kiến tổ chức tiệc vào tháng 1 với sự tham gia của nhiều nhân sự. Năm 2022, doanh nghiệp có trụ sở ở Colorado Springs này đã đưa nhân viên và gia đình của họ đến Atlanta để tham gia YEP kết hợp team building.
Chương trình kéo dài 3 ngày, bao gồm cuộc họp thường niên của công ty, chương trình trình diễn tài năng, bữa tối sang trọng với DJ và tiệc khiêu vũ. Khoảng 500 nhân sự cùng các thành viên gia đình đã tham gia sự kiện này.
Năm nay, các thành viên gia đình của nhân sự không được mời tham dự buổi gặp gỡ. Sự kiện sắp tới của công ty nhằm mục đích kết nối người lao động từ xa và xây dựng đội nhóm.
Theo Ravid, quá trình gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp thường trở nên khó khăn khi nhân sự phải để mắt đến nửa kia, đảm bảo vợ/chồng mình cảm thấy hòa nhập.
Thiếu sự hiểu biết về đồng nghiệp, sếp
Người lao động ngày càng muốn tham gia YEP nhẹ nhàng, không mang theo người thân. Trong một cuộc khảo sát 1.000 nhân sự tại Mỹ do nền tảng phân tích nhân sự Visier thực hiện vào năm ngoái, gần 2/3 cho biết đã cắt giảm, thậm chí ngừng tham gia các buổi tiệc, sự kiện công ty ngoài giờ hành chính.
Lý do chính của tình trạng này là mong muốn tách biệt công việc và đời sống cá nhân của người lao động.
Song, một số lại chưa quen với luật ngầm không mang theo vợ/chồng hiện nay. Họ cho biết bị mất đi cơ hội tìm hiểu về những người quan trọng của đồng nghiệp, sếp, khó phác họa bức tranh đầy đủ về cuộc sống cá nhân của nhau.
Theo Pamela Power, Giám đốc tiếp thị tại Portland, Ore., có chồng là kỹ sư, đặc biệt thích tham dự các bữa tiệc công ty của nửa kia. “Nhân viên của chồng tôi muốn biết nhiều hơn về anh ấy. Họ thấy anh ấy cũng là người bình thường, có vợ con và đôi lúc thiếu chỉn chu”, Power chia sẻ.
Ở chiều ngược lại, vợ/chồng cũng có thể hiểu rõ hơn về công việc của nửa kia khi tham dự tiệc công ty, theo Draye Redfern - người sáng lập công ty tư vấn tiếp thị Fractional CMO tại Dallas.
Nền tảng hẹn hò trực tuyến Grindr cũng chống lại quy tắc ngầm cấm mang theo nửa kia đến tiệc công ty. Họ lên kế hoạch tổ chức tiệc mừng tại West Hollywood cho nhân sự và người thân trong một kỳ nghỉ 3 ngày.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cong-ty-cam-mang-nua-kia-den-yep-post1521831.html