Công ty Mỹ 'in' nhà ở cho người lao động
Nước Mỹ đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở trầm trọng. Những giải pháp công nghệ có thể giúp giải quyết tình trạng này.
Cha mẹ của cô Ixchel Hernandez, gốc Mexico chuyển đến Mỹ định cư với hy vọng mang đến cho các con những cơ hội cũng như môi trường sống tốt hơn. Cha cô, ông Jose Hernandez, mơ ước một ngày nào đó được sở hữu ngôi nhà của riêng họ.
“Cảm ơn Chúa, chúng tôi hiện vẫn đủ khả năng trả tiền thuê nhà”, ông nói. Nhưng để theo kịp giá thuê nhà đang tăng cao, vợ chồng họ phải làm việc rất vất vả. Gia đình họ có sáu người sống chen chúc trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ.
Hiện nay, trên khắp nước Mỹ, nhà ở có giá phải chăng ngày càng trở nên khan hiếm. Tình trạng thiếu nhà ở cùng với lạm phát đã khiến nhiều gia đình phải chật vật tìm kiếm và trả giá đắt để có chỗ ở.
Muốn mua nhà tại những thành phố đông dân của Mỹ, một gia đình trung bình cần chi ít nhất 30% thu nhập hàng năm. Ở các thành phố lớn như New York, Los Angeles và Miami, con số đó tăng lên, chiếm hơn 80% thu nhập của hộ gia đình.
Thiếu nhà ở trầm trọng
Theo một nghiên cứu của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s, được công bố vào tháng 6/2022, nước Mỹ hiện đang thiếu hụt 1,5 triệu ngôi nhà và con số này có thể sẽ tiếp tục tăng lên khi ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ thiên niên kỷ “millennials” (những người sinh ra trong khoảng thời gian từ 1980 đến đầu thập niên 2000) tìm mua nhà riêng. Riêng bang California thiếu nhà ở nhiều nhất so với các bang khác, ước tính bang này cần thêm 1 triệu ngôi nhà.
Bà Kasey Ventura, điều phối viên Quỹ đất đai cộng đồng Beverly - Vermont ở Los Angeles, cho rằng, nên có nhiều lựa chọn nhà ở giá rẻ để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Ở Nam California, nhu cầu xây dựng và cho thuê dạng căn hộ được gọi là “Nhà ở phụ kiện” đang ngày càng tăng. Đó là những ngôi nhà nhỏ có thể di chuyển được (carriage homes), những gara đã được chuyển đổi công năng sử dụng, hoặc các căn hộ nhỏ hơn nữa. Các căn hộ này chủ yếu là dạng studio hoặc chỉ có một phòng ngủ, cung cấp thêm lựa chọn hợp lý cho nhiều người thích sống, làm việc ở những khu vực mà giá nhà ở quá đắt đỏ.
Một số người ủng hộ việc tận dụng những ngôi nhà không có người ở bởi có hàng chục ngôi nhà bỏ hoang, nằm không xa khu nhà dành cho người vô gia cư ở Los Angeles. Hoặc có cách làm khác là người sử dụng lao động hỗ trợ nhà ở cho nhân viên. Trong vài năm gần đây, các tập đoàn như Google, Meta và Apple đã cam kết chi hàng tỷ USD để xây khoảng 40.000 ngôi nhà mới ở California. Sáng kiến này nhằm đối phó với tình trạng giá nhà tăng cao, đồng thời thu hút và giữ chân nhân tài, những người cần có lựa chọn nhà ở hợp túi tiền hơn, cùng với thời gian di chuyển đến văn phòng ngắn hơn.
Matthew Johnson, nhân viên của công ty Factory_OS ở Vallejo, California cho biết, công ty anh đã có kế hoạch cung cấp nhà ở cho nhân viên những năm tới. Tuy nhiên, khác với những công ty khác, nhân viên của Factory_OS sẽ tự xây nhà. Một nhà máy cũ từng được sử dụng để chế tạo tàu ngầm cho Hải quân Mỹ trong Thế chiến II đã được ông Larry Pace và người đồng sáng lập công ty Factory_OS là Rick Holliday dùng làm nơi sản xuất các bộ phận lắp ghép thành những ngôi nhà hoàn chỉnh.
“Chúng tôi tái sử dụng tòa nhà từng là nơi phục vụ chiến tranh để tạo ra nhà ở hỗ trợ nhân viên với giá phải chăng”, ông Pace nói.
Factory_OS sử dụng một dây chuyền sản xuất và lắp ráp các thành phần module để tạo nên ngôi nhà hoàn chỉnh trong vòng hai tuần. Từ vật liệu cách nhiệt, vách thạch cao đến sàn nhà, tất cả đều được đúc sẵn trong nhà máy trước khi được vận chuyển đến địa điểm để lắp ráp.
Khi được cẩu lên và lắp ghép như những khối Lego, các module kết hợp với nhau để tạo nên toàn bộ tòa chung cư. Pace khẳng định tiết kiệm được nhiều chi phí và có hiệu quả lớn nhờ chuyển xây dựng nhà ở theo cách lắp ghép.
Nhà xây bằng công nghệ in 3D
Những ngôi nhà được xây bằng công nghệ in 3D cũng là một giải pháp góp phần làm giảm tình trạng thiếu nhà ở ở Mỹ.
Công ty Alquist 3D đã được cấp phép xây dựng 200 ngôi nhà in 3D trong vòng năm năm tới ở thị trấn Pulaski, bang Virginia. Với quy mô lớn như thế, đây được xem là dự án nhà in 3D lớn nhất trên thế giới.
Cuối năm 2021, Alquist 3D đã in 3D ngôi nhà gồm ba phòng ngủ rộng 111,5m2. Đầu tiên, máy tính dựng mô hình ngôi nhà. Sau đó, một máy in 3D Nexcon 19 tấn phun bê tông theo nhiều lớp cho đến khi công trình hoàn thành.
Alquist đang xem xét ít nhất bốn mẫu thiết kế nhà với chi phí hoàn thiện không quá 350.000 USD/căn. Công ty này cho biết phương pháp in 3D sẽ giúp tiết kiệm khoảng 15% chi phí do đòi hỏi ít nhân công và ít gỗ hơn.
Phương pháp này còn giúp giảm thời gian xây phần ngoại thất nhưng những công việc như lắp đường ống nước, dây điện, lắp cửa sổ... vẫn cần thợ lắp đặt. Tổng thời gian xây dựng có thể giảm xuống chỉ còn bốn tuần.
Công ty xây dựng nhà dân dụng Lennar Corp., cũng đang hợp tác với công ty công nghệ xây dựng Icon để phát triển 100 căn nhà in 3D ở Austin, bang Texas.
Những ngôi nhà này sử dụng khung bê tông. Ông Jason Ballard - Giám đốc điều hành Icon cho biết, cỗ máy in cao 4,7 mét của Icon có thể xây hệ thống tường cho một ngôi nhà một tầng rộng 185m2 trong một tuần. Máy in 3D này sẽ phun ra từng lớp hỗn hợp bê tông nằm chồng lên nhau, giống như nặn... kem đánh răng. Ông nói thêm, máy in 3D có thể in các bức tường cong, cho phép thiết kế ngôi nhà sáng tạo hơn. Sau đó, Lennar sẽ hoàn thiện ngôi nhà như làm mái, lắp cửa sổ… bằng phương pháp xây dựng truyền thống.
Anh Johnson, nhân viên của công ty Factory_OS là cha của năm đứa con và từng vô gia cư. Anh thường nghĩ về những gia đình một ngày nào đó sẽ sống dưới mái nhà mà anh đang lắp ráp. “Người ta sẽ rất hạnh phúc khi có một mái ấm để trở về cuối mỗi buổi chiều”, anh nói.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-ty-my-in-nha-o-cho-nguoi-lao-dong-210882.html