Công ty ngành bao bì nhựa 'ngồi trên đống lửa'

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 08/2022 quy định lộ trình ngừng sản xuất, nhập khẩu đối với túi ni lông khó phân hủy sinh học từ năm 2026 khiến doanh nghiệp ngành bao bì nhựa 'mất phương hướng'.

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 08/2022 quy định: Từ ngày 1- 1- 2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm…Quy định trên cùng với thực tế túi ni lông còn được người dân sử dụng phổ biến, khiến DN bao bì gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Khuyến khích tiêu dùng bền vững

Đại diện Aeon Việt Nam cho biết, đơn vị đã triển khai dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa dùng một lần” với mục tiêu giảm thiểu lượng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần tại hệ thống kinh doanh bán lẻ.

Theo đó, nhằm khuyến khích tiêu dùng bền vững, khi đến mua sắm tại siêu thị Aeon Nguyễn Văn Linh, người dân không dùng túi ni lông được giảm 1.000 đồng.

Tương tự, đại diện Công ty Orion Việt Nam chia sẻ, nhằm góp phần giảm thiểu tác động môi trường, gia tăng nhận thức của người tiêu dùng vì một môi trường xanh, công ty đã triển khai dự án “Bao bì hiền lành” thông qua cải thiện chất liệu và hình ảnh bao bì đóng gói.

Cụ thể, bao bì sản phẩm được sử dụng từ các vật liệu có nguồn gốc đơn lẻ, có khả năng tái chế dễ dàng; Khuyến khích sử dụng mực đậu nành thay thế mực in hiện tại cũng như giảm số lượng màu mực trên từng bao bì.

“Năm nay, chúng tôi tiếp tục ra mắt bao bì hiền lành đồng loạt trên nhiều sản phẩm, sau hai sản phẩm đầu tiên là Custas và Goute đã thực hiện từ năm 2021. Đặc biệt, với mục tiêu 100% các sản phẩm có bao bì hiền lành, công ty cũng thực hiện các quy chuẩn đặc biệt đối với những loại thùng các tông, giấy và nhựa để hạn chế tối thiểu ảnh hưởng tới môi trường”- đại diện Orion Việt Nam cho biết.

Vì sao DN không mặn mà sản xuất sản phẩm xanh?

Đề cập đến quy định lộ trình ngừng sản xuất, nhập khẩu đối túi ni lông khó phân hủy sinh học từ năm 2026, bà Liêu Ngọc Minh Tuyến, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ Minh Phát khẳng định, nhận thức được tầm quan trọng trong giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, ba năm qua công ty dần chuyển sang sản xuất bao bì phân hủy sinh học 100% từ tinh bột.

Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường chưa nhiều, công ty chỉ chuyển đổi một phần sản xuất để cung cấp cho DN xuất khẩu, DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa DN sản xuất bao bì xanh gặp nhiều rào cản, đặc biệt là chi phí chứng nhận nhãn sinh thái. Để bao bì được chứng nhận nhãn sinh thái đạt ít nhất ba tiêu chí, DN phải gửi mẫu kiểm tra tại Việt Nam mất thời gian từ sáu đến chín tháng và chỉ phục vụ thị trường nội địa.

“DN muốn vừa xuất khẩu sang Châu Âu vừa bán thị trường nội địa buộc phải test ở nước ngoài, thời gian cũng mất từ sáu đến chín tháng, chi phí DN bỏ ra ít nhất cả tỉ đồng. Chưa kể, sau khi có giấy chứng nhận nhãn sinh thái, mỗi năm DN phải đóng phí gia hạn chứng nhận… Sau ba năm, công ty phải làm lại từ đầu”- bà Tuyến kể.

Do tốn rất nhiều chi phí để đạt chứng nhận nhãn sinh thái nên bao bì xanh có giá cao hơn so với túi ni lông khó phân hủy. Ví dụ túi ni lông 50.000 đồng/kg, giá của bao bì phân hủy 100% làm từ tinh bột 100.000 đồng/kg, thị trường khó chấp nhận. DN sản xuất bao bì xanh rất khó cạnh tranh.

“Ba năm nay nhà máy vẫn đang sản xuất song song túi ni lông thông thường để nuôi bao bì thân thiện môi trường”- bà Tuyến chia sẻ.

Theo bà Tuyến, khi nào chi phí sản xuất bao bì xanh không quá chênh lệch với túi ni lông, được người dân đón nhận. Đồng thời cơ quan ban ngành cần tổ chức nhiều chương trình kết nối, các phiên chợ xanh … Qua đó, dần thay đổi hành vi tiêu dùng, DN chuyển đổi sản xuất xanh, mục tiêu giảm rác thải nhựa sẽ đạt hiệu quả.

 Doanh nghiệp sản xuất bao bì phân hủy sinh học gặp khó khăn đầu ra. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp sản xuất bao bì phân hủy sinh học gặp khó khăn đầu ra. Ảnh: TÚ UYÊN

Một số DN sản xuất bao bì khác cũng nêu thực tế: Dù túi ni lông đang đánh thuế bảo vệ môi trường 50.000 đồng/kg nhưng do chưa được thu thuế đầy đủ nên túi thân thiện môi trường vẫn khó cạnh tranh.

Một bất hợp lý khác, mặc dù DN sản xuất bao bì xanh, bán ở thị trường trong nước vẫn phải đóng thuế bảo vệ môi trường nếu không có chứng nhận nhãn sinh thái.

Tuy nhiên, muốn đạt chứng nhận nhãn sinh thái DN phải tốn chi phí 300 triệu đồng/mẫu, trong khi nguyên liệu đầu vào đã có chứng nhận xanh... Hơn nữa, nhãn sinh thái chỉ có giá trị thị trường trong nước.

Đây là lý do nhiều DN không mặn mà chuyển đổi xanh, hoặc chỉ sản xuất bao bì xanh cung cấp cho các công ty xuất khẩu.

DN bao bì nhựa không biết sẽ đi về đâu

PGS TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, hiện nay chúng ta khó chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng nhựa, ni lông hoàn toàn. Ví dụ trong một số lĩnh vực như thực phẩm liên quan tới an toàn thực phẩm thì nhựa, ni lông vẫn cần thiết trong khi các sản phẩm thay thế còn hạn chế.

Bên cạnh đó, hiện nay nhu cầu sử dụng túi ni lông của người bán hàng tạp hóa, hàng rong là rất cao, hầu như là cho không người mua và rất khó kiểm soát. Đặc biệt, nhu cầu mua sắm online tăng cao, dẫn đến lượng rác thải nhựa một lần ra môi trường ngày càng gia tăng.

Vì vậy, quy định lộ trình ngừng sản xuất, nhập khẩu đối túi ni lông khó phân hủy sinh học từ năm 2026 theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022 Chính phủ đưa ra là một thách thức lớn nếu không có giải pháp thay thế.

Đồng quan điểm, bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) có nhận định, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022 quy định lộ trình ngừng sản xuất, nhập khẩu đối túi ni lông khó phân hủy sinh học gây rất nhiều khó khăn cho DN ngành bao bì.

Các hội viên đang rất hoang mang về đề xuất trên, vì không chỉ tăng gánh nặng chi phí sản xuất cho cả nhóm ngành bao bì nhựa mà còn tác động đến các ngành nghề khác.

Đơn cử, ngành nông nghiệp sẽ không có những loại túi, bao bì dùng trong trồng nấm, trồng trùm buồng chuối, ổi, nho, túi trùm chống côn trùng.

Các ngành vận tải, công nghiệp, y tế, công sở… sẽ không có những túi nhựa để sử dụng như: túi chuyển phát nhanh, túi đựng hồ, túi rác công nghiệp, rác y tế, rác thải nguy hại.... Đến cả túi zipper, túi hút chân không bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh …

Theo bà Mỹ, nhóm ngành bao bì trên cả nước có đến hơn 500 DN với gần 100.000 lao động. Riêng các DN nhóm ngành bao bì nhựa hiện mất phương hướng không biết thời gian tới sẽ làm gì, việc sản xuất sẽ đi về đâu với những quy định mới này.

“Việc thay đổi chính sách cần có lộ trình và định hướng để các DN có thời gian chuẩn bị”- bà Mỹ nói.

Trước tình hình trên, VPA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy định từ ngày 1-1-2026 không sản xuất và nhập khẩu túi nhựa khó phân hủy sinh học dạng quai xách có độ dày một lớp màng nhỏ hơn 40 µm….

VPA đề xuất quy định hạn chế túi nhựa độ dày một lớp màng nhỏ hơn 40 µm vì theo xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, DN cần tập trung sử dụng các vật liệu tái sinh trong thành phẩm. Nhựa tái sinh rất phù hợp để sản xuất các loại túi độ dày, có thể được sử dụng nhiều lần.

"Các nước Châu Âu quy định hạn chế túi nhựa có quai xách có độ dày dưới 50mic, Thái Lan dưới 36mic… Đây cũng là một trong những giải pháp ngành nhựa thế giới và Việt Nam hướng đến nhằm tái sử dụng một lượng nhựa tái chế lớn ngoài thị trường. Việc sản xuất, tái sử dụng túi dày sẽ tăng khả năng thu hồi tái chế. Hạn chế rác thải nhựa từ túi ni lông khó phân hủy không được thu gom", Hiệp hội Nhựa Việt Nam kiến nghị.

PGS TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, thời gian qua sự sẵn sàng của DN sản xuất bao bì xanh chưa cao do nhu cầu thị trường còn hạn chế.

Vì vậy Nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy, hỗ trợ phát triển thị trường. Từ đó, các sản phẩm có bao bì xanh, thân thiện môi trường có thể cạnh tranh phát triển.

Bên cạnh khuyến khích người dân, nhà bán lẻ hành động, Nhà nước cần tham gia. Ví dụ thông qua đầu tư công xanh, mua sắm công xanh để thúc đẩy tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh rộng lớn.

“Khi có thị trường đủ lớn, lúc này giá thành sản xuất sản phẩm xanh của DN giảm. Từ đó giúp quá trình chuyển đổi sản xuất bao bì xanh hiệu quả”- TS Quân nói.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cong-ty-nganh-bao-bi-nhua-ngoi-tren-dong-lua-post801445.html