Công ty phương Tây mới nhất rời thị trường Nga

Chính quyền Nga yêu cầu các công ty phương Tây bán tài sản của họ ở Nga phải chịu mức chiết khấu bắt buộc là 50% và đóng góp thêm 15% vào ngân sách.

Hãng thời trang xa xỉ Hugo Boss của Đức vừa thông báo hoàn tất việc bán doanh nghiệp tại Nga, theo đó trở thành công ty phương Tây mới nhất rời thị trường màu mỡ này, 30 tháng kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Hiện chủ sở hữu mới của Hugo Boss Nga là công ty Stockmann. Khoản tiền mà Stockmann bỏ vào thương vụ này không được tiết lộ. Stockmann hoạt động tại Nga riêng biệt với chủ sở hữu cũ người Phần Lan.

Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp của Nga cho thấy, công ty Stockmann sở hữu 100% giá trị danh nghĩa của Hugo Boss Rus LLC là 40 triệu Rúp (470.000 USD).

Chi nhánh Nga của hãng thời trang xa xỉ Hugo Boss điều hành 19 cửa hàng tại thủ đô Moscow, vùng Moscow, St. Petersburg và Rostov-on-Don. Ảnh: UNN

Chi nhánh Nga của hãng thời trang xa xỉ Hugo Boss điều hành 19 cửa hàng tại thủ đô Moscow, vùng Moscow, St. Petersburg và Rostov-on-Don. Ảnh: UNN

Hồi cuối tháng 4, Hugo Boss đã đồng ý bán doanh nghiệp tại Nga của mình. Chính quyền Nga yêu cầu các công ty phương Tây bán tài sản của họ ở Nga phải chịu mức chiết khấu bắt buộc là 50% và đóng góp thêm 15% vào ngân sách.

Theo Reuters, thỏa thuận bán chi nhánh Nga của Hugo Boss đã được hoàn tất vào ngày 2/8. Một trong những điều kiện của việc bán doanh nghiệp là phải bảo toàn tất cả việc làm.

"Chúng tôi có thể xác nhận rằng công ty con của chúng tôi tại Nga đã được bán cho Stockmann JSC – công ty thuộc một trong những đối tác bán buôn lâu năm của Hugo Boss tại quốc gia này", đại diện Hugo Boss cho biết.

Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2/2022, Hugo Boss đã đóng cửa các cửa hàng tại Nga, cũng như đình chỉ giao dịch trực tuyến trên thị trường Nga và ngừng quảng cáo. Vào cuối năm 2022, Hugo Boss Rus có 19 cửa hàng tại thủ đô Moscow, vùng Moscow, St. Petersburg và Rostov-on-Don.

Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt sâu rộng mà Mỹ và EU áp đặt lên Nga, nhiều công ty phương Tây đã tuyên bố đình chỉ hoạt động tại thị trường này hoặc rút lui hoàn toàn.

Một trong những công ty Đức tuyên bố rút khỏi Nga sớm nhất là hãng Volkswagen. Tuyên bố được gã khổng lồ xe hơi đưa ra chỉ vài tuần sau xung đột. Một năm sau, công ty đã bán nhà máy của mình ở Kaluga với giá 160 triệu Euro.

Tuy nhiên, theo Die Zeit, vào đầu tháng 6 năm nay, Volkswagen thực sự đã quay trở lại thị trường Nga, bắt đầu bán ô tô mang thương hiệu Jetta. Đây là những mẫu xe tương tự được tái chế từ các mẫu xe gốc do tập đoàn FAW của Trung Quốc sản xuất từ các linh kiện của Đức.

Jetta từ lâu đã được nhập khẩu vào Nga theo chương trình nhập khẩu song song, nhưng theo Die Zeit, vài tuần trước, Jetta Motors đã thông báo với giới truyền thông kinh doanh của Nga về sự ra mắt chính thức.

Bản thân Volkswagen cho biết, họ không biết gì về hoạt động kinh doanh tại Nga. Tuy nhiên, như ấn phẩm này nhấn mạnh, điều này "có vẻ không hợp lý lắm".

Trước khi chiến sự nổ ra, 4.000 nhân viên đã làm việc cho Volkswagen tại Nga và khoản đầu tư vào sản xuất của tập đoàn Đức lên tới 2 tỷ Euro.

Minh Đức (Theo RFE/RL, Moscow Times)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cong-ty-phuong-tay-moi-nhat-roi-thi-truong-nga-204240806210906649.htm