Công ty Rafael giới thiệu tên lửa đánh chặn tiên tiến David's Sling
David's Sling, còn được gọi là Stunner hoặc SkyCeptor, là hệ thống tên lửa phòng không Israel, do công ty quốc phòng Israel Rafael Advanced Defense Systems và tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon hợp tác phát triển.
Tên lửa được thiết kế để đánh chặn máy bay chiến đấu, máy bay không người lái (UAV), tên lửa đạn đạo chiến thuật, rocket và tên lửa hành trình tầm trung đến xa, có tầm bắn hiệu quả trên cự ly từ 40 km (24,85 dặm) đến 300 km (186,41 dặm).
Hệ thống tên lửa phòng không dạng mô-đun, có thể mở rộng và linh hoạt để điều chỉnh phù hợp với khu vực và cấu trúc các đối tượng được bảo vệ. Tên lửa đánh chặn David's Sling (Stunner / SkyCeptor) có những tính năng động học vượt trội, khả năng cơ động cao, tính năng sát thương phá hủy vượt trội do được kết hợp hệ thống điều khiển lái nâng cấp mới, động cơ đẩy đa xung và thiết bị tìm kiếm thế hệ mới vào một khung tên lửa nhẹ, vững chắc.
Vũ khí đánh chặn là một tên lửa 2 giai đoạn, trang bị 2 hệ thống ngắm mục tiêu và dẫn đường lắp đặt ở đầu mũi quả đạn bao gồm một radar chủ động và một cảm biến điện quang.
Năm 2006, Rafael nhận được hợp đồng phát triển một hệ thống phòng thủ chống lại tên lửa thù địch tầm trung đến tầm xa với tầm bắn từ 70 đến 250 km (43 và 155 mi).
Để Israel có thể tận dụng nguồn viện trợ tài chính từ phía Mỹ, phát triển cao hơn nữa hệ thống phòng không và đưa vào sản xuất dây chuyền, 2 chính phủ đã thống nhất thiết lập quan hệ đối tác giữa Rafael với Raytheon. Raytheon phát triển phương tiện phóng tên lửa và hệ thống hậu cần kỹ thuật tổng thể, hỗ trợ Rafael phát triển tên lửa đánh chặn. Trong một số ấn phẩm tài liệu của Raytheon, tên lửa đánh chặn được gọi là "Stunner".
David's Sling được phát triển với mục đích tăng cường lớp phòng thủ thứ hai trong hệ thống phòng thủ tên lửa đa tầng của Israel. Tên David's Sling bắt nguồn từ câu chuyện kinh thánh về David và Goliath. Tổ hợp tên lửa tạo thành một cấp tầm cao trung bình của hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng trong tương lai của Israel đang được phát triển. Hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa nhiều lớp cũng bao gồm Arrow 2, Arrow 3, Iron Dome, Barak 8 và Iron Beam từ đầu năm 2020.
Ngày 25/11/ 2012, Israel phóng thử nghiệm thành công tên lửa đánh chặn Stunner. Tháng 7/2013, Raytheon thông báo đang hợp tác với các đối tác quốc tế phát triển một hệ thống tên lửa phòng không, phòng thủ tên lửa mới. Hệ thống này phát triển trên cơ sở tích hợp radar AN/MPQ-53 từ hệ thống phòng không MIM-104 Patriot, Trung tâm Điều khiển Hỏa lực Kongsberg / Raytheon và tên lửa phòng không Rafael Stunner.
Tháng 8/2013, Raytheon và Rafael bắt đầu kêu gọi nguồn đầu tư cho hệ thống đánh chặn Patriot thế hệ thứ 4, được gọi là Patriot Advanced Affordable Capability-4 (PAAC-4). Hệ thống đặt mục tiêu tích hợp tên lửa đánh chặn Stunner từ chương trình đồng tài trợ David's Sling với radar Patriot PAC-3, bệ phóng và trạm điều khiển hỏa lực.
Tên lửa Stunner 2 giai đoạn, đa chế độ dẫn đạn sẽ thay thế tên lửa PAC-3 1 giai đoạn, sử dụng radar dẫn đạn do Lockheed Martin sản xuất. Cơ quan Phòng thủ Tên lửa Mỹ cho biết, Quân đội Mỹ đang xem xét khả năng sử dụng tên lửa Stunner như một giải pháp tiềm năng cho các yêu cầu phòng không, phòng thủ tên lửa của Mỹ trong tương lai. Tháng 2/2015, chính phủ Israel yêu cầu Quốc hội Mỹ tài trợ thêm 250 triệu USD để hoàn thiện quy trình sản xuất tên lửa đánh chặn David's Sling.