Công ty thẻ tín dụng Nhật Bản có thể thâm hụt phí giao dịch tới 137 triệu USD/năm

Các công ty thẻ tín dụng Nhật Bản có thể phải đối mặt với khoản thâm hụt lên đến 20 tỷ yen (137 triệu USD) mỗi năm, từ chính hoạt động kinh doanh dịch vụ thẻ tín dụng.

Trong khi ngành du lịch Nhật Bản phấn chấn chờ đón du khách nước ngoài quay trở lại sau đại dịch COVID-19, thì các công ty kinh doanh thẻ tín dụng trong nước đang chịu áp lực thâm hụt doanh thu, do phải trả phí cho các thương hiệu thẻ nước ngoài nhiều hơn số tiền hoa hồng giao dịch mà họ nhận được.

Một nghiên cứu, do hãng tin Nikkei (Nhật Bản) thực hiện, đã chỉ ra rằng các công ty thẻ tín dụng Nhật Bản có thể phải đối mặt với khoản thâm hụt lên đến 20 tỷ yen (137 triệu USD) mỗi năm, từ chính hoạt động kinh doanh dịch vụ thẻ tín dụng.

Nghiên cứu cho biết các công ty thẻ như Sumitomo Mitsui Card và Mitsubishi UFJ Nicos hoạt động bằng cách vừa phát hành thẻ tín dụng, vừa kinh doanh dịch vụ lắp đặt đầu đọc thẻ thanh toán - được gọi là bộ xử lý thẻ tín dụng - tại các cửa hàng và nhà bán lẻ. Việc duy trì mảng kinh doanh đầu đọc thẻ là để mở rộng danh sách cửa hàng thành viên cho các công ty kinh doanh thẻ tín dụng và hưởng phí dịch vụ sử dụng thẻ.

Với mỗi lượt thanh toán thẻ tại các cửa hàng, các công ty cung cấp bộ xử lý thẻ tín dụng nhận được khoản phí hoa hồng 1,9% trên tổng số tiền giao dịch.

Nhưng khi một thẻ tín dụng phát hành ở nước ngoài được sử dụng, các công ty cung cấp bộ xử lý thẻ tín dụng sẽ phải trả khoản phí 1,8% cho các nhà phát hành thẻ ở nước ngoài và 0,8% cho các thương hiệu thẻ quốc tế, như Visa và Mastercard (Visa và Mastercard không thực hiện phát hành thẻ trực tiếp cho khách hàng mà thông qua bên thứ ba là các ngân hàng, công ty kinh doanh thẻ tín dụng). Tính chung, các công ty thẻ tín dụng của Nhật Bản sẽ phải trả phí 2,6% cho các giao dịch bằng thẻ nước ngoài, gây thâm hụt 0,7% so với mức phí hoa hồng thu được thực tế.

Các phóng viên của Nikkei đã tính toán số liệu dựa trên ước tính doanh thu hoa hồng từ các bộ xử lý thẻ tín dụng trong nước. Các tính toán giả định du khách quốc tế đến Nhật Bản trở về mức trước đại dịch - khoảng 32 triệu lượt mỗi năm. Trong năm 2019, số du khách này chi tiêu khoảng 4.800 tỷ yen, trong đó 60% số tiền được thanh toán bằng các loại thẻ tín dụng nước ngoài. Điều đó tương ứng với việc các công ty thẻ tín dụng trong nước sẽ đối mặt với khoản thâm hụt lên tới 20 tỷ yen/năm.

Tại Nhật Bản, mức phí hoa hồng áp dụng cho dịch vụ thanh toán bằng thẻ tín dụng được giữ ở mức thấp. Nguyên nhân là do các công ty thẻ tín dụng phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các phương tiện thanh toán khác, không thu phí dịch vụ thanh toán, như mã QR trên điện thoại thông minh và tiền điện tử.

Mặc dù nghịch lý thâm hụt phí giao dịch thẻ đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng các công ty thẻ tín dụng của Nhật Bản được cho là đủ khả năng bù đắp khoản thâm hụt này thông qua doanh thu đạt được từ phí sử dụng thẻ tín dụng trong nước và phí giao dịch sử dụng thẻ UnionPay của Trung Quốc - một phương tiện thanh toán được các nhóm khách du lịch Trung Quốc ưa chuộng.

Nhật Bản đang thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhận thấy gánh nặng chênh lệch phí dịch vụ sử dụng thẻ nước ngoài mà các công ty thẻ tín dụng trong nước đang phải chịu, Ủy ban Thương mại Công bằng và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản mới đây đã yêu cầu các thương hiệu thẻ tín dụng quốc tế phải công khai các khoản phí mà họ áp dụng đối với các cửa hàng/nhà bán lẻ. Việc công khai bảng phí dịch vụ mới chỉ được Visa, Mastercard và UnionPay lần đầu tiên thực hiện với một số khoản phí nhất định vào năm 2022./.

Diệu Linh (Theo Nikkei)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cong-ty-the-tin-dung-nhat-ban-co-the-tham-hut-phi-giao-dich-toi-137-trieu-usd-nam/303578.html