Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh sẵn sàng lấy nước đổ ải phục vụ sản xuất
Đến nay, Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc tu sửa máy móc, thiết bị trạm bơm, nạo vét thủy lợi đông xuân, sẵn sàng lấy nước đổ ải vụ sản xuất tới.
Dự báo thiếu nước
Hiện nay, lượng nước thiếu hụt ở các hồ trên lưu vực sông Hồng là 7,2 tỷ m3, trong đó 3 hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước thiếu hụt 3,7 tỷ m3. Cùng với dự báo tình trạng khô hạn tiếp tục xảy ra ở các tháng cuối năm 2019 và đầu năm2020, việc bảo đảm các yêu cầu cấp nước cho gieo cấy vụ đông xuân và những tháng còn lại gặp rất nhiều khó khăn. Vụ đông xuân năm 2019 - 2020 được dự báo là năm căng thẳng về nguồn nước.
Tại Hải Dương, căn cứ vào đặc điểm địa hình, các khu vực trong tỉnh được phân thành 2 vùng tưới gồm vùng tưới thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải (BHH) và vùng tưới khu vực thủy triều. Trong đó, vùng tưới hệ thống BHH lấy nước từ sông Hồng qua cống Xuân Quan, cung cấp nước tưới cho 7 địa phương của tỉnh gồm các huyện: Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc và TPHải Dương. Các địa phương còn lại phụ thuộc vào nguồn nước của hệ thống sông Thái Bình.
Riêng địa bàn TP Chí Linh có 68 hồ đập vừa và nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do nạn phá rừng, nguồn sinh thủy còn ít, lòng hồ bị bồi lắng, công trình xuống cấp nhanh. Tổng dung tích nước trữ được để tưới trong hồ hiện tại chỉ đạt 30-70% dung tích thiết kế. Diện tích phục vụ chỉ còn 52% năng lực thiết kế (935 ha/1.800 ha).
Đối với vùng tưới tự chảy khác thuộc các khu vực thủy triều, trong những năm gần đây nguồn nước đang có xu hướng suy giảm, tình trạng xâm nhập mặn dẫn tới khả năng cấp nước tự chảy thấp và gặp nhiều khó khăn. Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ sản xuất hầu hết đều được xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, hiện xuống cấp, máy móc cũ rão.
Đặc biệt là hệ thống kênh dẫn nước tưới qua nhiều năm khai thác, còn nhiều tuyến kênh chưa được nạo vét, nhiều đoạn bị vi phạm lấn chiếm cản trở dòng chảy. Do vậy nếu mực nước nguồn thấp, hệ thống kênh dẫn hiện tại sẽ khó có thể bảo đảm dẫn nước đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Chuẩn bị phục vụ đổ ải
Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh có nhiệm vụ bảo đảm nước tưới cho hơn 55.000 ha đất sản xuất. Để chủ động nguồn nước tưới, đến nay, công ty đã sửa chữa lớn 84 hạng mục công trình, 39 máy bơm các loại; sửa chữa nhỏ 274 máy bơm, bảo đảm 100% công suất máy bơm phục vụ tưới. Xí nghiệp KTCTTL ở các huyện, thị xã, thành phố đã nạo vét toàn bộ 375.200 m3 bùn đất theo kế hoạch tỉnh giao.
Công ty đã sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm để đầu tư nạo vét 45.800 m3 bùn đất, 3tuyến kênh dẫn với tổng chiều dài hơn 5,7 km. Qua kiểm tra, dòng chảy sông trục, kênh mương do các đơn vị KTCTTL trong tỉnh quản lý cơ bản thông thoáng, bảo đảm tất cả các trạm bơm sẵn sàng vận hành tham gia lấy nước đổ ải, phục vụ gieo cấy lúa xuân.
Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch phòng chống hạn vụ đông xuân năm 2019 - 2020 phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Quản lý chặt chẽ nguồn nước các hồ chứa thuộc TP Chí Linh, tiết kiệm nước tưới để phòng tránh hạn hán xảy ra.
Hầu hết các hồ đều không có nguồn nước tưới hỗ trợ nên khi xảy ra tình trạng thiếu nước thì bơm gạn lòng hồ bằng máy bơm dầu, bơm điện dã chiến. Đối với các huyện vùng thủy triều cần tận dụng tối đa các đỉnh triều để lấy nước trữ vào đồng và tăng diện tích tưới tự chảy; tận dụng tối đa nguồn nước khi các hồ thủy điện xả nước. Đồng thời thường xuyên theo dõi độ mặn để lấy nước vào đồng ruộng bảo đảm chất lượng.
Các xí nghiệp trong khu vực hệ thống BHH có cống lấy nước dưới đê sông ngoài như các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng phải tận dụng tối đa các đỉnh triều để lấy nước hỗ trợ bổ sung thêm nguồn nước cho hệ thống sông trục nội đồng. Các huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc cần chủ động bơm ngả ải sớm, thực hiện tưới nước tiết kiệm, dự trữ nguồn nước để tưới dưỡng lúa.
Công ty TNHH một thành viên KTCTTL tỉnh yêu cầu tất cả các xí nghiệp trực thuộc phối hợp tốt với địa phương tận dụng tối đa nước thủy triều ở sông ngoài và các đợt xả nước để lấy nước, trữ nước vào hệ thống kênh trục nội đồng bảo đảm nhanh gọn, hiệu quả và tiết kiệm.
NGUYỄN VĂN BỘT, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh