Công ty TNHH Theodore Alexander o ép người lao động

Doanh nghiệp tùy tiện kỷ luật, tạm ngưng, điều chuyển công việc, cắt lương, thưởng bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, gây bức xúc cho người lao động

Sau khi thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) bất thành, vừa qua, Công ty TNHH Theodore Alexander HCM (quận Thủ Đức, TP HCM) đã tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động và ra quyết định cách chức đối với ông Nguyễn Hữu Cừ, trưởng nhóm an ninh tại nhà máy TA2, dù không chứng minh được lỗi của người lao động (NLĐ).

Vô cớ buộc tội NLĐ

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Cừ cho biết ông ký HĐLĐ không xác định thời hạn với công ty từ năm 2004, địa điểm làm việc là nhà máy TA2 ở tỉnh Bình Dương, mức lương 14,2 triệu đồng/tháng. Ngày 25-2-2019, công ty chuyển địa điểm làm việc của ông từ nhà máy TA2 về nhà máy TA1 (quận Thủ Đức, TP HCM).

Dù không vi phạm gì nhưng ông Nguyễn Hữu Cừ vẫn bị Ban Giám đốc Công ty TNHH Theodore Alexander HCM xử lý kỷ luật cách chức

Dù không vi phạm gì nhưng ông Nguyễn Hữu Cừ vẫn bị Ban Giám đốc Công ty TNHH Theodore Alexander HCM xử lý kỷ luật cách chức

Ngày 20-3, ông Cừ đột nhiên được ông Jess Rueloekke, tổng giám đốc, mời lên làm việc. Tại đây, đại diện công ty đưa bản quyết toán nghỉ việc, đề xuất trả cho ông 7 tháng lương, yêu cầu ông ký tên xác nhận và thôi việc ngay lập tức. "Khi tôi hỏi lý do thôi việc, họ nói không cần biết lý do. Tôi hỏi mình có lỗi hay làm điều gì sai không, tổng giám đốc trả lời không có. Xét thấy yêu cầu nghỉ việc của công ty không hợp lý nên tôi từ chối ký tên" - ông Cừ trình bày. Hai ngày sau, tổng giám đốc công ty tiếp tục yêu cầu ông Cừ nghỉ việc và dọa nếu từ chối sẽ bị xử lý kỷ luật.

Do ông Cừ liên tục từ chối, ngày 27-3, công ty đã tổ chức họp xử lý kỷ luật lao động đối với ông. Tại cuộc họp này, ông Jess Rueloekke cho biết lý do xử lý kỷ luật là do công ty nghi ngờ ông Cừ có liên hệ mật thiết với nhóm của ông B.V.L - nhân sự thu mua hàng ở nhà máy TA1. Nhóm này có hành vi tuồn hàng của công ty bán cho khách hàng Trung Quốc, gây thiệt hại khoảng 300.000 USD. Công ty cho rằng ông Cừ đã vi phạm nội quy lao động công ty, đó là không thông báo những mất mát, thiệt hại về tài sản của công ty nhằm che giấu vi phạm của bản thân và của nhân viên khác.

Tuy nhiên, ông Cừ phủ nhận toàn bộ vì công ty không hề có chứng cứ chứng minh lỗi vi phạm. Hơn nữa, thời điểm công ty đình chỉ công việc của ông L. do nghi ngờ có sai phạm thì ông Cừ đang làm việc tại nhà máy TA2 nên không thể có chuyện ông cấu kết thực hiện hành vi sai phạm. Chưa hết, đến nay, cơ quan công an cũng chưa có kết luận nào về việc có xảy ra mất mát và thiệt hại tài sản như công ty tố cáo. Tại cuộc họp, dù Công đoàn công ty đã khuyến nghị cần chứng cứ chứng minh lỗi của NLĐ song ban giám đốc vẫn phớt lờ. Đến ngày 28-3, công ty vẫn ra quyết định kỷ luật cách chức đối với ông Cừ. Đồng thời, bố trí công việc mới cho ông là nhân viên văn phòng kho với mức lương mới là 6 triệu đồng/tháng.

Ép người quá đáng

Không riêng gì ông Cừ, chị Nguyễn Hữu Thị Thiên Ý, trưởng phòng nhân sự nhà máy TA1, cũng vô cớ bị điều đến "ngồi chơi" tại phòng bảo vệ cổng số 2.

Theo trình bày của chị Ý, chị vào làm tại công ty từ năm 2015 và đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Từ ngày 10-1 đến 31-3-2019, chị bị công ty tạm đình chỉ công việc bởi 4 quyết định (ngày 10-1, 12-2, 28-2 và 16-3-2019) với lý do liên quan đến đơn tố cáo chị. Thế nhưng, khi chị hỏi đơn tố cáo liên quan đến vấn đề gì thì công ty ậm ừ. Điều đáng nói là trong thời gian đình chỉ, công ty cắt toàn bộ lương, thưởng tháng 13 năm 2018 và ngưng đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho chị. Bức xúc, chị Ý khiếu nại vụ việc đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Thủ Đức. Tại buổi hòa giải, trên cơ sở xem xét hồ sơ tranh chấp, hòa giải viên lao động quận yêu cầu công ty phải trả lương, thưởng đầy đủ cho chị Ý. Tuy nhiên, phía công ty trả lời sẽ căn cứ vào kết quả điều tra của công an để đánh giá, xem xét và thanh toán nếu thấy cần thiết. Do hòa giải không thành nên chị Ý đã nộp đơn khởi kiện lên TAND quận Thủ Đức.

Tại buổi hòa giải do tòa án tổ chức vào đầu tháng 4-2019, đại diện công ty thừa nhận chưa trả lương các tháng 1, 2, 3-2019 cho NLĐ và đồng ý nhận chị Ý trở lại làm việc vào ngày 2-4. Tuy nhiên, khi chị Ý quay trở lại làm việc như đã hẹn thì không được công ty bố trí công việc, cũng không phản hồi về thời hạn thanh toán tiền lương, thưởng. Khi chị Ý đến gặp ông Jess Rueloekke, yêu cầu bố trí công việc và trả lương, thưởng thì ông này từ chối trả lời. Ông Jess Rueloekke còn đưa cho chị Ý tờ quyết định có nội dung công nhận chị đã quay trở lại làm việc và chỗ làm việc mới sẽ là phòng bảo vệ cổng số 2 của nhà máy TA1. Không đồng tình với quyết định này, chị Ý đến phòng nhân sự gửi đơn khiếu nại. Thế nhưng, ông Jess Rueloekke đã xé bỏ đơn và yêu cầu 3 bảo vệ áp giải chị Ý xuống phòng bảo vệ.

"Công ty còn dán thông báo có hình ảnh, họ tên, mã số nhân viên, biển số xe của tôi ở cổng nhà máy và yêu cầu bảo vệ không cho tôi vào công ty, chỉ được ngồi ở phòng bảo vệ cổng số 2 từ 8 giờ đến 17 giờ mỗi ngày. Đến giờ cơm, tôi cũng không được vào căng-tin mà phải ăn ở phòng bảo vệ. Rõ ràng, hành vi của công ty là ép người quá đáng" - chị Ý bức xúc.

Để làm rõ thông tin khiếu nại của NLĐ, vừa qua chúng tôi đã liên hệ với công ty nhưng lãnh đạo công ty từ chối tiếp xúc.

Luật sư TRẦN HỮU TÍN, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự:

Phải chứng minh được lỗi của người lao động

Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của việc tiến hành xử lý kỷ luật lao động theo quy định của Bộ Luật Lao động là người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải chứng minh được lỗi của NLĐ. Mặt khác, theo quy định tại điều 129 Bộ Luật Lao động, NSDLĐ có quyền tạm đình chỉ công việc của NLĐ khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để họ tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, NLĐ được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, NSDLĐ phải nhận NLĐ trở lại làm việc.

Căn cứ quy định trên, việc Công ty TNHH Theodore Alexander HCM không trả lương cho NLĐ trong thời gian tạm đình chỉ công việc, không bố trí công việc cho NLĐ sau khi hết hạn đình chỉ, đồng thời ra quyết định kỷ luật mà chưa chứng minh được lỗi của NLĐ là chưa phù hợp quy định pháp luật, gây thiệt thòi cho quyền lợi của NLĐ.

Bài và ảnh: MAI CHI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-ty-tnhh-theodore-alexander-o-ep-nguoi-lao-dong-20190513213443546.htm