Công ty Trung Quốc manh nha xây tuyến cáp quang ngầm ở Thái Bình Dương khiến Mỹ lo ngại
Hôm 17-12, Reuters đưa tin chính quyền Mỹ đã phát đi cảnh báo đến các quốc đảo Thái Bình Dương về khả năng nảy sinh các mối đe dọa an ninh do một công ty Trung Quốc giảm giá chào thầu để có thể xây dựng tuyến cáp quang Internet ngầm dưới biển ở khu vực này.
Theo đó Huawei Marine, công ty gần đây đã được thoái vốn khỏi Tập đoàn công nghệ Huawei và hiện thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc khác, đã nộp hồ sơ dự thầu cùng với Alcatel Submarine Networks (ASN) có trụ sở tại Pháp, công ty con của Nokia (Phần Lan) và NEC của Nhật Bản, với giá chào thầu 72,6 triệu USD trong dự án được hỗ trợ bởi Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) để xây dựng tuyến cáp quang ngầm Internet dưới biển.
Dự án được thiết kế để cải thiện thông tin liên lạc tới các đảo quốc Nauru, Liên bang Micronesia (FSM) và Kiribati.
Các nguồn tin cho biết, Washington đã gửi công hàm cho FSM vào tháng 7 bày tỏ về mối quan ngại chiến lược về dự án vì Huawei Marine và các công ty Trung Quốc khác được yêu cầu hợp tác với chính quyền Bắc Kinh để chia sẻ các thông tin tình báo và an ninh.
Cáp quang ngầm dưới biển giúp dung lượng dữ liệu lưu thông lớn hơn nhiều so với vệ tinh, đã nổi lên thành một lĩnh vực đầu tư nhạy cảm ở Thái Bình Dương.
Dự án có tên dự án cáp quang Đông Micronesia, chứng kiến giá chào thầu của Huawei Marine trong quá trình mua sắm thiết bị thấp hơn so với các đối thủ hơn 20%. Huawei Marine đang ở thế thắng thầu do giá cả cạnh tranh.
Thông thường, các quốc gia liên quan đến dự án thành lập các ủy ban đánh giá thầu. Các cơ quan phát triển xem xét các đề xuất của ủy ban để đảm bảo nhà thầu được chọn tuân thủ các chính sách và thủ tục của cơ quan.
Dự án này còn phức tạp hơn do dự kiến nó sẽ kết nối với cáp ngầm HANTRU-1, được sử dụng chủ yếu bởi chính phủ Mỹ và kết nối với Guam, một lãnh thổ của Mỹ - nơi đặt các căn cứ quân sự.
Mặc dù Huawei Marine hiện được sở hữu phần lớn bởi Hengtong Optic-Electric Co Ltd, một phần của Tập đoàn Hengtong, Mỹ vẫn tiếp tục cảnh báo các quốc gia Thái Bình Dương không nên để công ty này cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng.
Huawei Technologies Co Ltd, một nhà sản xuất thiết bị viễn thông toàn cầu của Trung Quốc đã liên tục phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ và các cáo buộc rằng các sản phẩm của họ có thể bị Bắc Kinh sử dụng để phục vụ cho mục đích gián điệp, một cáo buộc luôn bị công ty này phủ nhận.
Tập đoàn Huawei nay nắm giữ cổ phần thiểu số tại Huawei Marine.