Công ty vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 phá sản
Công ty điều hành hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 đã tuyên bố phá sản do một loạt lệnh trừng phạt mới từ phương Tây.
“Dòng chảy phương Bắc đã vỡ nợ do lệnh trừng phạt của Mỹ vào tuần trước", Silvia Thalmann-Gut, đại diện cơ quan kinh tế tại bang Zug (Thụy Sĩ), cho biết trên truyền hình địa phương.
Theo bà Thalmann-Gut, giới chức khu vực hôm 1/3 đã nhận được thông tin về việc Nord Stream 2 AG - công ty chịu trách nhiệm điều hành hệ thống đường ống Dòng chảy Phương bắc 2, đệ đơn phá sản và toàn bộ lực lượng lao động gồm 106 người của công ty đã bị sa thải.
Nord Stream 2 AG có trụ sở tại Zug và hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom từ Nga. Trước đó, từng rộ lên thông tin về việc công ty này có thể tuyên bố phá sản và chính thức bắt đầu thủ tục phá sản tại một tòa án ở Thụy Sĩ đầu tuần này.
Mỹ và Đức tuần trước đã thông báo về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2, để trả đũa việc Nga mở các chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Hôm 22/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thông báo đình chỉ chứng nhận tuyến đường ống khí đốt có công suất 55 tỷ mét khối/năm này, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập đối với các khu vực ly khai phía đông Ukraine.
Đến ngày 23/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra lệnh cho chính quyền của ông áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG và ban lãnh đạo công ty này, để đáp trả các hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Giới chức Washington cho rằng, các lệnh trừng phạt của Mỹ cùng với quyết định trước đó của Đức đã hủy hoại dự án.
Hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 được xây dựng để dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến Đức dưới lòng biển Baltic, thay vì trên đường bộ xuyên qua lãnh thổ Ukraine, và được xem là một cách hiệu quả để cung cấp năng lượng cho các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU). Dù vậy, dự án này từ lâu cũng gây nhiều tranh cãi, với những ý kiến lo ngại việc cho phép hoạt động của Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu từ Nga.
Thụy Sĩ, quốc gia vốn theo truyền thống trung lập và ban đầu còn do dự trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, hôm 28/2 đã tuyên bố sẽ tuân theo Liên minh châu Âu (EU) và áp dụng tất cả hình phạt cứng rắn của khối lên Moscow.
Bà Thalmann-Gut nhận định, một số công ty khác của Nga cũng có trụ sở chính tại Zug, nên địa phương này trong tương lai có thể chứng kiến thêm nhiều vụ phá sản hơn nữa khi các đòn trừng phạt mạnh tay nhắm vào Nga bắt đầu có hiệu lực.